Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chất lượng và tiến độ công tác quy hoạch
Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống nhất với đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 | |
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Xem xét cẩn trọng và toàn diện những vấn đề lớn |
Quy hoạch phải đi trước một bước, song tiến độ rất chậm
Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017 đã giải quyết những vấn đề đặt ra và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch; thay đổi cách tiếp cận từ quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; tính định hướng trong phát triển được thể hiện tốt hơn; các cấp, các ngành trưởng thành hơn trong công tác quy hoạch... Tuy nhiên, đây là một Luật khó, liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Tính “phức tạp” là một nguyên nhân khiến cho đến nay, sau 5 năm Luật có hiệu lực, hệ thống quy hoạch quốc gia vẫn chưa được lập, phê duyệt xong.
Cũng chính vì vậy tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh |
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 07 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 01 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn thực hiện.
Đến nay công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật quy hoạch có 110 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ. Tuy nhiên, mới chỉ có 7 trong 111 quy hoạch được xem xét, phê duyệt (trong đó có 1 quy hoạch quốc gia, 2 quy hoạch vùng, tỉnh và 4 quy hoạch ngành), tức là đến nay vẫn còn tới 104 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt. Và ngay cả với 7 quy hoạch được phê duyệt này thì cũng đã bộc lộ những bất cập.
Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, cách hiểu chưa thống nhất về phương pháp lập quy hoạch tích hợp, trình tự lập quy hoạch và phê duyệt quy hoạch; chưa dự báo hết được những khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai; chưa đồng bộ với các luật liên quan khác; phối hợp chia sẻ thông tin chưa tốt… là những nguyên nhân khiến việc lập, phê duyệt quy hoạch rất chậm. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.
Cũng do việc lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn, điều chỉnh quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011-2020. Tức là, đang tồn tại song song và áp dụng đồng thời hai quy hoạch.
Trước những bất cập ghi nhận được, báo cáo của Đoàn giám sát kiến nghị trong ngắn hạn, Quốc hội cho phép Chính phủ, các cơ quan liên quan được thực hiện một số việc khác với luật Quy hoạch để giúp đẩy nhanh tiến độ, phê duyệt các quy hoạch cho tới khi luật Quy hoạch được sửa đổi.
Bên cạnh đó, cần lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị, nông thôn) trong trường hợp nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn. Việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch có thể được thực hiện theo quy trình rút gọn… Về dài hạn, kiến nghị Chính phủ rà soát sửa đổi căn bản, toàn diện Luật Quy hoạch, các luật liên quan và các văn bản hướng dẫn.
Chất lượng quy hoạch phải được quan tâm hàng đầu
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên), công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng vì muốn có dự án tốt, có nguồn đầu tư tốt, sử dụng hiệu quả đầu tư công và phát triển kinh tế - xã hội thì trước hết phải có quy hoạch tốt, tức là quy hoạch phải đi trước một bước.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng |
“Công tác quy hoạch phải đi trước một bước” cũng là vấn đề được rất nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh khi nêu ý kiến thảo luận tại hội trường. Vì vậy, trước thực trạng công tác lập, phê duyệt quy hoạch rất chậm hiện nay, các đại biểu nhấn mạnh việc phải làm rõ nguyên nhân và nhanh chóng có các giải pháp khắc phục.
Công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại những hạn chế. Một số quy định pháp luật về quy hoạch chưa đồng bộ và không còn phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung như một số quy định về đấu thầu, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch được ban hành từ trước khi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công có hiệu lực nên chưa có sự đồng bộ giữa quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về quy hoạch.
Vị đại biểu này cho rằng, để nâng cao chất lượng, công tác quy hoạch cần bám sát Luật Quy hoạch, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và các quy định pháp luật có liên quan. Quá trình lập quy hoạch phải bám sát thực tiễn, đánh giá được tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng bộ, ngành và mỗi địa phương. Đồng thời phải đánh giá toàn diện, đầy đủ những khó khăn, thách thức của ngành, địa phương, đơn vị mình để có quy hoạch phát triển kinh tế xã - hội phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến |
Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), việc chậm tiến độ một phần nguyên nhân là do Luật Quy hoạch và các luật, các văn bản hướng dẫn thi hành còn mâu thuẫn, chồng chéo với 318 nội dung bất cập được phát hiện. Do đó, nữ đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các kiến nghị của đoàn giám sát Quốc hội về nội dung cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện 8 nội dung mà Luật Quy hoạch, các luật hiện hành chưa quy định hoặc các quy định nhưng có bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc ngoài việc cho phép kéo dài thời gian theo định hướng cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch và hoàn thành quyết định hoặc phê duyệt trong năm 2022 đối với quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản phải hoàn thành trong năm 2023, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm có kế hoạch, chương trình phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện với lộ trình cụ thể để đảm bảo tiến độ hoàn thành.
Ngoài ra, cần sớm triển khai tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch để cập nhật, chia sẻ thông tin.
Trong phiên giám sát, nhiều ý kiến cũng đề nghị Quốc hội quy định cụ thể thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Đại biểu Lý Thị Lan |
Lưu ý đến thời điểm này vẫn còn số lượng lớn các quy hoạch chưa được phê duyệt (tổng 104, trong đó: 5/6 quy hoạch vùng; 35/39 quy hoạch ngành quốc gia; 62/63 quy hoạch tỉnh), đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cho rằng, để tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định quy hoạch, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch cụ thể về thẩm định, phê duyệt đối với từng quy hoạch để các bộ, ngành, địa phương chủ động và chịu trách nhiệm thực hiện đúng kế hoạch đặt ra trong năm 2022.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng |
Dù nhất trí cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch nhưng đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) lại nhấn mạnh, không nên “dàn hàng ngang” trong việc cố gắng hoàn thành lập, phê duyệt 104 quy hoạch hiện nay. Thay vào đó, nên tập trung vào một số quy hoạch then chốt nhất như: quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch vùng và quy hoạch một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh…, từ đó định hướng và dẫn dắt cho các quy hoạch khác. Làm tốt điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới.
Cũng theo vị đại biểu của đoàn Cần Thơ, nên tiếp tục có các nghiên cứu, phân tích và tham khảo về kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng hệ thống quy hoạch, phương pháp lập và triển khai các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với nhau để có các bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách cho Việt Nam.