Đắk Lắk: Giữ chợ truyền thống theo cách làm hiện đại
85% tiến độ trong vòng 4 tháng
Tháng 10/2020, UBND huyện Krông Búk ra thông báo số 180/TB-UBND về di dời chợ xã Pơng D’rang cũ ở thôn Tân Lập 6 về chợ xã Pơng D’rang mới tại thôn 12. Đến nay, chỉ sau hơn 4 tháng tiếp nhận, người dân xã Pơng D’rang đã được nhìn thấy ngôi chợ mới đang mọc lên từng ngày, nhanh chóng và khang trang, đúng như lời cam kết của chủ đầu tư Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển chợ HTC.
Theo cập nhật của phóng viên, chợ xã Pơng D’rang mới đã hoàn thiện phần thô, cất nóc, đóng trần, dựng sạp, lô ốt cho nhà chợ chính và nhà chợ hàng tươi sống. Các dãy ki ốt xung quanh chợ đã được quét sơn và chống thấm toàn bộ. Ngoài ra, khu vực công viên dự án cũng đã được phân luồng lối đi, đây dự kiến sẽ trở thành điểm vui chơi giải trí mới cho người dân xã Pơng D’rang. Chủ đầu tư cho biết đơn vị này đang tiếp tục thực hiện các hạng mục tiện ích cuối cùng như công trình vệ sinh, ánh sáng, khu xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Chợ xã Pơng D'rang - điểm nhấn đô thị mới của tỉnh Đắk Lắk |
Chia sẻ về nỗ lực của chủ đầu tư trong việc xúc tiến xây dựng chợ mới, ông Nguyễn Đỗ Vân Trình – Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển chợ HTC cho biết: “Trên thực tế, chợ Pơng D’rang cũ không còn đảm bảo chất lượng về vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, không còn đáp ứng đủ nhu cầu kinh doanh, mua sắm của người dân địa phương. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển chợ HTC đã khẩn trương xây dựng chợ Pơng D’rang mới để đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu kinh doanh của bà con tiểu thương”.
Chỉ trong vòng 4 tháng, dự án đã hoàn thành đến 85% tiến độ, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối tháng 3/2021. Sau khi chợ xã Pơng D’rang mới được khai trương, chợ cũ sẽ đóng cửa theo đúng chủ trương của UBND tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, dù chợ mới vẫn đang trong quá trình xây dựng, đã có khoảng 70-80% trên tổng số 312 sạp, ki ốt, lô ốt tại khu chợ được người dân thuê để làm điểm bán hàng.
Giữ chợ truyền thống theo cách làm hiện đại
Theo số liệu của Nielsen, đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Như vậy, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bán lẻ tại nước ta. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa của cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nhiều chợ truyền thống hiện nay vẫn tồn đọng nhiều bất cập trong việc quy hoạch và phát triển như tình trạng xuống cấp cơ sở vật chất, an toàn cháy nổ, mất kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm…
Để phát huy đúng vai trò của chợ truyền thống là một kênh quan trọng trong tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam cần nhiều nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của người dân. Theo chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần thiết phải có những biện pháp nâng cấp chợ, bảo đảm kinh doanh văn minh, an toàn. Đồng thời, nên phát triển chợ đầu mối, làm động lực thúc đẩy sản xuất tại chỗ của địa phương, từ đó kích thích nhu cầu đầu tư và phát triển du lịch.
Kỳ vọng phát triển “Khu phố chợ Pơng D’rang” của tỉnh Đắk Lắk |
Dự án chợ mới xã Pơng D’rang được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017 cũng là vì tầm nhìn xa trông rộng này. Theo quy hoạch, ngôi chợ sẽ nằm trong khuôn viên Khu phố chợ Pơng D’rang mới, trong đó bố trí tích hợp chợ, công viên, bãi đậu xe, khu thể dục thể thao và dãy shophouse thương mại xung quanh. Cách làm mới của tỉnh nhà sẽ vừa giúp gìn giữ, nâng cấp chợ truyền thống, vừa mở ra cơ hội phát triển văn hóa – xã hội cho địa phương và làm đòn bẩy để Pơng D’rang tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.