Đăk Lăk: Phát huy thế mạnh hàng nông sản
Còn nhiều thách thức
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2023 đạt 13,7 tỷ USD, giảm 16,6%, tương ứng giảm 2,73 tỷ USD về số tuyệt đối so với kỳ 2 tháng 5/2023.
Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 6/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 5/2023 ở một số nhóm hàng như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 439 triệu USD, tương ứng giảm 22,6%; sắt thép các loại giảm 299 triệu USD, tương ứng giảm 48,5%; hàng dệt may giảm 241 triệu USD, tương ứng giảm 14%...
Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 148,87 tỷ USD, giảm 12% (tương ứng giảm 20,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,11 tỷ USD, tương ứng giảm 18,9%; hàng dệt may giảm 2,56 tỷ USD, tương ứng giảm 15,3%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 2,23 tỷ USD, tương ứng giảm 29%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,74 tỷ USD, tương ứng giảm 7%... so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 6/2023 đạt 9,93 tỷ USD, giảm 14,6% tương ứng giảm 1,69 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 5/2023. Tính đến ngày 15/6/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm này đạt 108,83 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 14,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của các sản phẩm nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng rất tốt như như gạo, rau quả, hạt điều. Đó là những điểm sáng nổi bật trong hoạt động xuất khẩu những tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu cho giá trị gia tăng cao. Đơn cử, gạo Việt đã thâm nhập được vào nhiều thị trường khu vực EU có yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng; các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã tận dụng khá tốt các ưu đãi trong những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, UKVFTA.
Nhiều dự báo cho thấy hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm 2023. Song vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đòi hỏi doanh nghiệp, các cơ quan chức năng phải tích cực tiếp cận thị trường hơn nữa trong thời gian tới.
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp
Trong khi đó, các địa phương có thế mạnh về xuất khẩu nông sản đang duy trì tốt hoạt động xuất khẩu và có những tín hiệu tích cực. Đơn cử như Đăk Lăk, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của địa phương này 810 triệu USD, tương đương khoảng 19.000 tỷ đồng, bằng 50,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế |
Trong đó, cà phê vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, với sản lượng 228.000 tấn, thu khoảng 12.000 tỷ đồng; tiếp đến là điều, với 2.500 tỷ đồng, hồ tiêu với khoảng 1.800 tỷ đồng; còn lại là cao su, gỗ gia dụng và các loại trái cây, gạo, mắc ca…
Theo Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk, để duy trì được đà tăng trưởng dương cũng như bảo đảm tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 của tỉnh Đăk Lăk trên 1,6 tỷ USD (khoảng 38.000 tỷ đồng) như kế hoạch đề ra, ngành công thương đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Tỉnh đã tiến hành rà soát tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu, trên cơ sở đó vận động và hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thực hiện mở tờ khai xuất khẩu và nộp thuế tại địa phương để tiết giảm chi phí và thời gian. Đồng thời, phối hợp với lực lượng hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp kiểm dịch, kiểm hóa hàng và làm thủ tục xuất khẩu ngay tại tỉnh giúp cho việc xuất đi được nhanh chóng và thuận lợi nhất.
Theo đại diện Sở Công thương tỉnh Đăk Lăk, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành công thương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân; tập trung phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch, phát triển một số ngành hàng có lợi thế, hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng gia tăng cao. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực của địa phương; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, định hướng cho doanh nghiệp chủ động nghiên cứu các tiêu chuẩn thị trường...
UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã yêu cầu ngành công thương địa phương thường xuyên bám sát các văn bản hướng dẫn các cấp, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát triển. Đặc biệt, tích cực cải cách hành chính, ứng dụng nền tảng công nghệ số trong hoạt động thương mại...