Đánh thức vòng Xòe
Tối 24/9/2022, tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã diễn ra lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản" có sự tham gia của trên 3.000 diễn viên là nghệ sĩ, nghệ nhân và bà con dân tộc Thái, trong đó có 500 em học sinh tại địa bàn. Với 3 chương: Thiên di - dựng bản, lập Mường; Miền di sản; Tinh hoa nghệ thuật Xòe, chương trình với nhiều đại cảnh công phu, lộng lẫy đã tái hiện những nét văn hóa độc đáo của người Thái. Cuối cùng, chương trình khép lại bằng một vòng đại Xoè đáng mong chờ với 2.022 người.
Vòng Xòe với 2022 người tham gia đã khép lại chương trình “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” |
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, chương trình “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” như một thiên sử thi đặc sắc, với liên tiếp những đại cảnh hoành tráng, là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời. Lần đầu tiên chương trình được diễn ra trên toàn bộ sân vận động thị xã Nghĩa Lộ chứ không gói gọn trên một sân khấu thông thường. “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản” là cuộc trình diễn xuyên suốt, không có điểm dừng, nhằm cuốn khán giả theo một mạch chuyện chảy trôi không ngừng như dòng Nậm Thia của vùng đất này - dòng sông được chọn làm biểu tượng của sân khấu đêm nghệ thuật.
Như chúng ta đã biết, ngày 15/12/2021, “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự ghi danh này thêm một lần nữa khẳng định thế giới đánh giá cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam nói chung, của loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng người Thái ở vùng Tây Bắc nói riêng. “Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh là niềm vinh dự, tự hào của cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc 4 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng. Cùng với niềm vui về sự vinh danh là trách nhiệm về công tác bảo tồn, để di sản sống mãi trong cộng đồng.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng minh sức sống mãnh liệt, vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái, mà còn của chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Nghệ thuật Xòe Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động của cộng đồng người Thái sống ở khu vực Tây Bắc, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trước hết của chính họ. Trải qua thời gian, Xòe Thái gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, văn nghệ của người dân. Ngày nay, Xòe Thái trở thành sợi dây kết nối cộng đồng và là "tài nguyên" đặc hữu để các địa phương phát triển du lịch. Các vòng Xòe Thái từ xưa đến nay mang tính cộng đồng rất cao. Bước chân vào vòng Xòe, ai cũng bình đẳng và nhận được niềm vui, sự hào hứng. Xèo Thái góp mặt trong nhiều sự kiện của cộng đồng người Thái, từ mừng nhà mới, đám cưới đến Xên bản, Xên mường… Người Thái Mường Lò (tỉnh Yên Bái) còn có câu hát: “Không xòe không vui/Không xòe cây ngô không ra bắp/Không xòe cây lúa không trổ bông/Không xòe trai gái không thành đôi”.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cho rằng có 3 loại Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Hiện nay, tại Mường Lò (tỉnh Yên Bái), 6 điệu xòe cổ vẫn được lưu giữ, bảo tồn là: “Khắm khăn mơi lẩu” (Nâng khăn mời rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách mỗi khi có khách đến nhà chơi; “Phá xí” (Bổ bốn) thể hiện tình đoàn kết, keo sơn; “Nhôm khăn” (Tung khăn) ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân; "Đổn hôn" (Tiến lùi) ẩn chứa quan niệm sâu xa là sự tiến, lùi theo quy luật cuộc sống, làm chủ được bản thân để có được thành quả như mong muốn; "Khắm khen" có nghĩa là nắm tay cùng xòe biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau để vượt qua; "Ỏm lọm tốp mư" (Vòng tròn vỗ tay) thể hiện khát vọng chung tay xây dựng bản làng ngày càng giàu mạnh, chung tay chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù.
Theo nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, những điệu Xòe phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian Thái. Qua mỗi điệu Xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu đời, yêu người để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu sáng trong vô hạn… Xòe không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, mà còn là tri thức dân gian có tác dụng kích thích phát triển của con người, góp phần giúp con người thêm tự nhiên, sống thuận với tự nhiện, biết điều chỉnh hành vi, lối sống cho phù hợp với đạo làm người. “Xòe Thái là giá trị phi vật thể vô giá trong kho tàng văn hóa Thái nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung mang một sắc thái riêng, mang tính cội rễ từ thuở mở cõi”, nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến quả quyết.
Bà Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái khẳng định, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng giữ gìn, bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe Thái. Tuy nhiên, di sản này vẫn đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Trước hết, nhiều địa phương còn hạn chế trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, văn bản, các khía cạnh văn hóa, tín ngưỡng liên quan, trong khi các nhà nghiên cứu, thầy cúng biết chữ Thái, nhất là chữ Thái cổ đang ngày càng hiếm... Trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái. Tỉnh tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo, truyền dạy nghệ thuật Xòe Thái nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương. Song song với đó, tỉnh sẽ áp dụng một số chính sách hỗ trợ cộng đồng phục hồi và lưu truyền những điệu Xòe cổ, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội có liên quan đến nghệ thuật Xòe Thái; tiếp tục thành lập và duy trì các đội văn nghệ sinh hoạt Xòe Thái; mở rộng các hình thức, môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong đời sống đương đại.