Đạo diễn Xuân Phượng: Những xuân sắc vẫn ngát hương
1. Tác giả Xuân Phượng vốn là đạo diễn, năm nay đã 92 tuổi, tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng, sinh tại Huế trong một gia đình hoàng tộc. Hồi nhỏ, bà sống cùng gia đình ở Đà Lạt. Cha bà là Thanh tra Học chính kiêm hiệu trưởng trường tiểu học duy nhất tại Đà Lạt khi đó.
Tháng 6/1945, bà quyết định đi theo kháng chiến khi mới 16 tuổi. Trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà đã trải qua nhiều nghề, trước khi chuyển qua học và làm phim tài liệu chiến trường. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, do cấp trên phân công, Xuân Phượng được cử đi học y sĩ cao cấp và chuyển về làm việc tại Ủy ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, phụ trách phòng y tế, săn sóc sức khỏe các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, nhờ thế mà bà được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia, nhà báo quốc tế. Do biết tiếng Pháp, năm 1967, bà cùng với một số vị phụ trách xưởng phim Việt Nam được Bác Hồ mời lên để giúp “Những chiến sĩ điện ảnh cách mạng” là ông Joris Ivens và bà Marceline Loridan tình nguyện đến chiến trường ác liệt nhất làm phim về Việt Nam.
Đạo diễn Xuân Phượng và cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” |
Năm 1968, Xuân Phượng chuyển về bộ phận Truyền hình Việt Nam (được thành lập trước khi Đài truyền hình Việt Nam chính thức hoạt động). Bà được cử đi B (chiến trường miền Nam), là nữ phóng viên chiến trường duy nhất lúc ấy của Việt Nam ở thể loại “báo hình”. Ít ai biết, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đã thực hiện hàng loạt phim tài liệu mang tính thời sự, phản ánh những sự kiện chiến sự tại chiến trường Campuchia, biên giới phía Bắc và là một trong những phóng viên đầu tiên vào Dinh Độc lập theo trung đoàn xe tăng vào ngày 30/4/1975. Những bộ phim bà đã thực hiện gồm: Việt Nam và chiếc xe đạp (1974), Tôi viết bài ca hồi sinh (1979), Khi tiếng súng vừa tắt (1975), Khi những nụ cười trở lại (1976), Hai tiếng quê hương (1978)… Từ khi về hưu (năm 1989), đạo diễn Xuân Phượng trở thành một nhà sưu tập tranh tầm cỡ. Bà là chủ sở hữu phòng tranh Lotus ở TP. Hồ Chí Minh.
Đạo diễn Xuân Phượng chia sẻ, những bộ phim tài liệu dù lừng lẫy đến đâu cũng không thể phản ánh hết cuộc đời nhiều thăng trầm của bà. Chính vì thế, bà viết hồi ký Gánh gánh gồng gồng với lý do rất đơn giản: “Tôi muốn giải thích với họ hàng vì sao tôi dấn thân vào cuộc cách mạng để gia đình ly tán, và muốn giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc chiến tranh đầy bi hùng của Việt Nam ở thế kỷ 20”.
2. Hồi ký Gánh gánh gồng gồng được đạo diễn Xuân Phượng viết lại từ cuốn hồi ký Áo dài (viết bằng tiếng Pháp) của bà. Năm 2001, tác phẩm này được nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris. Sau đó được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. Sau 19 năm, đạo diễn Xuân Phượng viết lại tập hồi ký bằng tiếng Việt và xem đó như một món quà tinh thần gửi đến những người thân mến quanh bà. Tác phẩm này của đạo diễn Xuân Phượng vừa được Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh chọn trao Giải thưởng Văn học năm 2020. Cuối năm ngoái, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã vinh danh Gánh gánh gồng gồng là một trong những tác phẩm xuất sắc của năm.
Cuốn hồi ký cho thấy những trải nghiệm thật đặc sắc của bà qua những thăng trầm lịch sử dân tộc. Bà đã chứng kiến vua Bảo Đại trao ấn kiếm cho nhà sử học Trần Huy Liệu - đại diện chính quyền cách mạng tại cửa Ngọ Môn vào tháng 8/1945. Bà cũng chứng kiến ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, giới chóp bu chính quyền Việt Nam cộng hòa lầm lũi rời khỏi quyền lực và những chiến sĩ giải phóng lau chùi bùn đất trên chiếc xe tăng vừa trải qua đợt hành quân thần tốc.
Đạo diễn Xuân Phượng còn sinh đứa con đầu lòng trên một con đò trôi dạt giữa đêm đông lạnh lẽo trên sông Lô cuối năm 1949, và bà đã đỡ đẻ cho một đứa trẻ trong địa đạo Vĩnh Linh vào năm 1967. Tiếng khóc của đứa trẻ mở mắt chào đời, tiếng khóc của người mẹ sinh khó và tiếng khóc của người cha hạnh phúc trong khói lửa ngột ngạt chiến tranh, là một kỷ niệm khắc cốt ghi tâm khi nữ phiên dịch Xuân Phượng theo phụ việc cho đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens làm phim tài liệu tại Vĩnh Linh.
Trong lời mở đầu cuốn sách, đạo diễn Xuân Phượng đã kể lại khoảnh khắc bà rời xa gia đình thân yêu của mình đi theo cách mạng khi mới 16 tuổi và khoảnh khắc gặp lại mẹ mình vào tháng 7/1989 tại sân bay Charles de Gaulle Paris (Pháp) sau 43 năm xa cách. Với hơn 300 trang sách, Gánh gánh gồng gồng dẫn dắt người đọc vào những cuộc đời của đạo diễn Xuân Phượng qua từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử của đất nước. Cái hay của hồi ký Gánh gánh gồng gồng không phải nằm ở văn chương, mà nằm ở cuộc đời tác giả. Nói cách khác, cuộc đời đã hắt ánh sáng lên trang sách và đem lại cho độc giả ấn tượng được sẻ chia, được thấu hiểu, được cảm thông.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Đó là một cuốn sách ấn tượng, câu chuyện của một con người đã nói lên lịch sử của cả đất nước từ sau khi chúng ta giành được độc lập”. NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, bằng giọng kể đơn giản, chân thực, ở bất cứ đoạn nào của cuộc đời đạo diễn Xuân Phượng cũng có sự độ lượng, không oán trách, than vãn mà luôn thể hiện tấm lòng nhân ái, sự trân trọng những con người, những tình cảm đẹp đẽ trong các mối quan hệ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của mình. Nhà văn Robert Macneil lại nhận xét: “Đây là một trong những hồi ký tuyệt vời nhất mà tôi từng đọc. Tác giả và những người xung quanh giống như những người anh hùng. Sự nguy hiểm và thiếu thốn mà họ phải chịu đựng trên con đường giải phóng dân tộc thật đáng kinh ngạc. Sự bao dung và phóng khoáng của người phụ nữ ấy đã vượt qua mọi sóng gió và truyền cảm hứng mãnh liệt cho người đọc. Đây là bài học sâu sắc trả lời câu hỏi cho những người Mỹ vẫn đang bối rối rằng, vì sao một dân tộc nghèo và nhỏ bé như vậy lại có thể chiến thắng”.