Dạt dào dòng sông di sản
Tôi đã không thể nhớ hết bao lần gặp sông Hương, vì nói đến Huế, đi đến Huế nghĩa là về với dòng sông di sản đó. Lần nào cũng ập òa một cảm xúc vừa quen thuộc, vừa gần gũi, mộc mạc, đời thường mà lại rất dễ gợi niềm thơ.
Dòng sông huyền thoại |
Khi dòng đời mỏi mệt, khi ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường và hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa đến đời sống của rất nhiều cư dân đô thị, thì về và trò chuyện với sông Hương, tôi có cảm giác mình được chia sẻ, an ủi. Sông làm gió mát. Sông vẽ màu vào không gian, nền trời, làm cho đô thị Huế trở nên lãng mạn, thân thương và giàu sắc màu huyền thoại. Sông Hương gắn với hệ thống phủ đệ, lăng tẩm, Văn Miếu, Võ Miếu, kinh thành… giúp mỗi ai yêu Huế đều có một hành trình khám phá đầy đủ, sâu sắc.
Trong hành trình cảm nghiệm Huế, những chuyến đò trên sông khi hoàng hôn buông xuống khiến mỗi người có một cảm nghiệm đặc biệt. Rồi những sinh hoạt của cư dân, khách thập phương đến Huế thả bộ một cách bình thản cũng cho thấy Huế và sông Hương thật sự an bình.
Bây giờ, không gian hai bờ sông Hương đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng đã được cải tạo, trở nên hấp dẫn và thu hút khách. Tiếp đó, vẻ đẹp của các công viên nằm dọc hai bờ sông cũng được trang hoàng lại, nhằm tạo sự kết nối liên hoàn giữa các công viên Thương Bạc, Phú Xuân và Kim Long. Ngoài hệ thống đường đi bộ, các công viên được bổ sung cây xanh, trong đó tập trung các loại cây vừa cho bóng mát, vừa cho hoa.
Người ta cũng chọn các loại cây có thể cho hoa nhiều mùa. Hệ thống điện chiếu sáng không chỉ có chức năng chiếu sáng mà phải đảm bảo thẩm mỹ, hài hòa từ màu sắc tới công trình và cảnh quan xung quanh. Theo kế hoạch, đầu năm 2020, thành phố tiếp tục đầu tư kinh phí chỉnh trang hệ thống công viên và các hạng mục dọc hai bờ, đó là công viên Vườn Mai, Lý Tự Trọng...
Về Huế, tôi cũng từng gặp chị Võ Thị Hương Lan suốt nhiều năm cùng nhiều người ở cố đô chung tay bảo vệ nét xanh trong và hiền hòa của dòng sông. Chị đã thành lập nhóm “Cảm ơn dòng Hương”, tổ chức nhiều hoạt động nhặt rác xung quanh bờ sông, dưới sông, tuyên truyền nói không với túi ni lông, đồ nhựa… cũng như thức tỉnh sự cuồng tín của bao cư dân đốt hoa đăng, vàng mã và thải xuống dòng nước. Những việc làm thiết thực ấy là cách trả nghĩa, ứng xử và làm đẹp hơn không gian đô thị Huế cũng như sông Hương, thu hút du lịch, tạo những điểm nhấn để sông được yêu mến, chăm chút hơn nữa.
*
* *
Người Huế tự hào vì Huế, nơi có sông Hương - núi Ngự. Người Huế cũng biết ơn đất trời đã ban cho mảnh đất này một báu vật mà từ trăm năm qua và có lẽ đến muôn sau, sông Hương vẫn đi vào thơ văn, âm nhạc, hội họa và là đề tài nghiên cứu của hàng chục nhà văn hóa. Đến nay, không ai có thể thống kê hết những tác phẩm ca ngợi sông Hương. Chỉ biết, mỗi ai yêu nơi này từng sáng tạo ít nhất một tác phẩm hướng về sông Hương và Huế. Con sông chảy vào nghệ thuật sẽ còn chảy nữa, chảy mãi, như có thi sĩ bảo rằng sẽ chảy cho đến khi nào con người còn tình yêu. Sông Hương cũng đã tạo nên tính cách cho con người nơi đây. Điều này thể hiện rõ trong một bài thơ mà Thu Bồn viết: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.
Vẻ đẹp Huế |
Sông Hương nghĩa là sông thơm, sông có mùi hương. Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887 - 1951), tác giả bài “Hương Giang hành” cho biết nguồn gốc của mùi thơm đó khi nói về con sông xinh đẹp này: “Hương Giang phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch nguyên ở miền thượng lưu tỉnh Thừa Thiên, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy lần qua kinh thành, đến cửa Thuận An rồi ra Đông Hải. Hai bên bờ tả hữu trạch có giống “Thạch xương bồ” là một vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương Giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy”.
Sống ở Huế, yêu sông Hương, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã thốt lên: “Sông không chỉ đẹp trong mắt lữ khách, mà dường như đã in sâu vào tâm cảm bao người; sông ấy không chỉ đẹp qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử mà còn đẹp trong tâm hồn bao thế hệ; sông ấy không chỉ là món quà của thiên nhiên ban tặng, sông ấy còn là một dòng sông tâm thức... Mùa Xuân, khi những cây thông thắp nến, sông đã trong xanh trở lại sau những ngày đục ngầu mưa lũ. Bấy giờ sông như một dải lụa xanh ngắt vắt ngang trời. Tưởng như từng sợi vải dệt nên dải lụa ấy, được dệt bằng triệu triệu ánh mắt yêu mến dòng sông và có cảm giác rằng bất cứ những ai đến Huế đều muốn có một lần được vuốt ve dải lụa mềm đã dệt đan từ vang vọng một màu xanh ngăn ngắt”.
Còn nhớ, năm 1993, khi UNESCO xét công nhận quần thể di tích Huế là Di sản văn hoá thế giới, sông Hương chỉ được nhắc đến khá ít ỏi, như là một thực thể điểm xuyết cho giá trị của Huế. Sau đó ít năm, người ta cũng rục rịch đề xuất xét công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là Di sản văn hóa thế giới. Do nhiều yếu tố nên việc này vẫn chưa thành hiện thực. Mới đây, UNESCO khuyến nghị chính quyền Thừa Thiên - Huế và Việt Nam nên lập hồ sơ để trình xét công nhận sông Hương và cảnh quan đôi bờ là Di sản văn hóa thế giới (lần thứ hai), với tư cách là nhân tố không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển của quần thể di tích cố đô Huế. Thiết nghĩ, sông Hương đã là di sản trong lòng người dân Huế, khách thập phương yêu mảnh đất này, dù có được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới hay không. Bởi xét đến cùng, giá trị của sông Hương không chỉ nằm ở thi ca, nhạc họa mà nó là nơi mà hàng năm còn có nhiều lễ hội được tổ chức, đó là những nét sinh hoạt văn hóa nhiều đời qua. Những vườn tượng, đặt tượng các danh nhân, những nhà văn hóa vẫn uy nghi, lộng lẫy, hàng ngày chứng kiến sự lắng tụ của một dòng sông văn hóa.
Lúc này, việc làm của mỗi người là bảo vệ di sản Huế, di sản sông Hương khỏi bị xâm hại bởi tư duy khai thác triệt để, thái quá. Huế sẽ phát triển thành “thành phố di sản”, từ đó phát triển du lịch, tích cực phát huy giá trị di sản vốn có. Sông Hương sẽ được biết đến nhiều hơn trong tương lai, nên việc gìn giữ các di tích, lăng tẩm hai bên bờ sông, thượng nguồn là điều phải được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc và hiệu quả.