Đầu tư công: Cần chấm dứt các “nghịch lý”
Thủ tướng thành lập 6 Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công | |
Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công | |
Sớm đưa các gói hỗ trợ kinh tế vào cuộc sống |
Giải ngân chậm có thể tái diễn
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia đánh giá về kinh tế 2021 và triển vọng 2022 mới đây của trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), GS-TS. Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội Khoá XV, Phó hiệu trưởng NEU cho rằng, trong lĩnh vực đầu tư công hiện đang có một “nghịch lý”, đó là các công trình hạ tầng thiếu, vốn đầu tư khó khăn, nhưng có tiền lại không tiêu được, vốn đầu tư công luôn trong trạng thái giải ngân chậm, giải ngân không hết.
Trong khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nên đầu tư công càng có vai trò quan trọng. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, khi vốn đầu tư công tăng thêm 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm và đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. “Nếu năm 2022 giải ngân được toàn bộ nguồn vốn đầu tư công, thì GDP sẽ có thêm 0,42 điểm phần trăm tăng trưởng”, chuyên gia này ước tính.
Vốn đầu tư công sẽ tập trung cho hạ tầng giao thông |
Hơn nữa, vốn đầu tư công tập trung chủ yếu cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Vì thế vốn đầu tư công có vai trò như vốn mồi thu hút nguồn vốn từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tăng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mục tiêu đặt ra là từ 33-34% GDP. Đây là nhân tố vô cùng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, tiến độ đầu tư công 4 tháng đầu năm nay đang khá chậm. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, tỷ lệ ước giải ngân đến ngày 30/4/2022 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (đạt 18,65% kế hoạch); trong đó có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%; đến ngày 25/4, vẫn còn 38.578,624 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ, dự án (tương đương 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết. Thậm chí có 17 bộ, cơ quan trung ương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức 0%. Phần giải ngân vốn vay nước ngoài dù có nhiều nút thắt đã được tháo gỡ song cũng chưa có cải thiện nào đáng kể khi mới đạt 3% kế hoạch...
Dù có nhiều lý do được viện dẫn ra để lý giải cho sự chậm trễ này, tuy nhiên trong bối cảnh cả nước đang khát khao, trông chờ rất lớn vào đầu tư công để làm trụ đỡ giúp nền kinh tế phục hồi, những lý do này không phải là câu trả lời để đáp ứng những mong mỏi đó.
Đôn đốc phải gắn chặt với trách nhiệm
Rõ ràng với những dữ liệu 4 tháng qua về đầu tư công cho thấy không thể yên tâm về tiến độ. Và với tiến độ này, áp lực của những tháng còn lại rất lớn. Câu hỏi liệu tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng” có tái diễn? và nguyên nhân nào đằng sau đó cũng như cần các giải pháp gì chắc chắn phải được đặt ra.
Nhìn vào tình hình giải ngân, giao vốn, GS-TS. Hoàng Văn Cường cho rằng đang có hai vấn đề cần lưu tâm giải quyết: “chạy xếp hàng” và “e ngại” trong việc ra quyết định. Trong đó về hiện tượng “chạy xếp hàng”. Luật đã quy định trong 5 năm tới đầu tư vào dự án nào phải ghi trong danh mục. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chuẩn bị dự án kỹ lưỡng nhưng vẫn cứ đưa dự án vào danh mục đăng ký. Đến khi có tiền mới phân bổ cụ thể và do đó bị “vướng”, dẫn đến chậm thời gian phân bổ vốn. Như vậy, nếu trong Luật Đầu tư công có thêm được đầu tư công trung hạn 3 năm “cuốn chiếu” thì sẽ làm cho quá trình chuẩn bị dự án được tốt hơn.
Điểm vướng nữa hiện nay là có nhiều địa phương “e ngại” trong việc ra quyết định. Trong khi luật pháp không thể chặt chẽ 100%, làm cũng được, không làm cũng được, làm thế này cũng được, làm thế kia cũng được. Cho nên để “an toàn” thì người đứng đầu một số địa phương cho rằng, tốt hơn hết là chờ “xin ý kiến cấp trên”. “Vai trò người đứng đầu có dám chịu trách nhiệm quyết định hay không là vấn đề quan trọng nhất”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nói.
Vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cũng được Bộ KHĐT đề cập đến khi báo cáo Chính phủ về tiến độ đầu tư công. Theo đó, bộ này kiến nghị Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022 (do đó phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên…) và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.
Với các bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 thì cần cam kết lộ trình giao kế hoạch cụ thể, điều chỉnh ngay cho các dự án chuyển tiếp đủ điều kiện giao vốn. Trường hợp không điều chỉnh được, có văn bản gửi Bộ KHĐT đề nghị điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu. Bộ KHĐT sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thu hồi, điều chuyển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác có nhu cầu trước ngày 30 tháng 6 tới.
Bộ cũng đề nghị các cấp, ngành cần thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022 để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của các dự án để sớm hoàn thành, tạo động lực mới nhằm phát triển bền vững. Liên quan đến nội dung này, ngày 2/5/2022 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã Quyết định số 548/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, cùng với kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ… có lẽ cần có những biện pháp mạnh hơn. Đồng thời tăng cường giám sát của các cơ quan chuyên trách và nâng cao khả năng tham gia cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công.