Sớm đưa các gói hỗ trợ kinh tế vào cuộc sống
Gói hỗ trợ đúng thời điểm, đúng tiến độ sẽ tạo động lực cho nền kinh tế |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương.
Thúc đẩy một loạt dự án đầu tư công trọng điểm
Trong gói 350.000 tỷ đồng của Chương trình, một cấu phần quan trọng, chiếm gần 1/3, tương đương với gần 114.000 tỷ đồng sẽ chi cho phát triển kết cấu hạ tầng. Phần tiếp theo, tương ứng với khoảng 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Tiếp đến là phần dành cho gói cấp bù lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… khoảng 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các khoản khác như: Cấp vốn cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm và khoảng 14.000 tỷ đồng cho hệ thống y tế…
Các dự án đầu tư công nổi bật sẽ được thúc đẩy lần này phải kể đến 6 dự án giao thông quan trọng quốc gia, các dự án mang tính liên kết vùng, các trục xương sống của khu vực miền Trung hay Đồng bằng sông Cửu Long; dự án giai đoạn 2 cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 3 dự án quốc gia quan trọng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tổng vốn hơn 45.000 tỷ đồng), cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột (tổng vốn gần 22.000 tỷ đồng)…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, khoản ngân sách được bổ sung từ chương trình phục hồi (114.000 tỷ đồng) trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện để giải ngân, từ đó tạo động lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ xây dựng danh mục mà quan trọng là công tác chuẩn bị dự án và sẵn sàng điều kiện để có thể triển khai.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với nhóm đầu tư công, bên cạnh 3 nhóm giải pháp đặc thù được Quốc hội cho phép thì vẫn phải thực hiện theo các quy định hiện hành về đầu tư công. Do vậy, sẽ mất nhiều thời gian hơn so với nhóm tín dụng cũng như nhóm chính sách thuế, phí.
Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đã cho phép thực hiện một cơ chế mang tính linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa Chương trình phục hồi với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, khoản ngân sách được bổ sung từ Chương trình phục hồi 113.000 tỷ đồng cho đầu tư công sẽ triển khai tăng thêm dự toán ngân sách trung ương năm 2022 - 2023 chi cho đầu tư công. Trước mắt sẽ chi ngay cho các dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, các doanh nghiệp đều rất đồng tình khi biết thông tin Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh dự án đầu tư hạ tầng nhằm tạo việc làm cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đẩy nhanh dự án đầu tư công, vướng mắc lớn nhất là ở các nghị định về định mức. Các nghị định về định mức đang sử dụng không phù hợp, khiến nhà thầu xây dựng Việt Nam đắn đo trước khi tham gia dự án.
“Trong dự án hạ tầng, hợp đồng trọn gói trong thời gian dài sẽ khiến doanh nghiệp khó làm, nhất là khi giá cả biến động. Doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng sửa đổi các quy định cho phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xây dựng gói kết cấu hạ tầng trong chương trình 350.000 tỷ đồng, từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi cùng nền kinh tế”, ông Hiệp kiến nghị.
Còn TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ, các Bộ, ngành cần bám sát từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tránh tình trạng vốn bị “ngâm” quá lâu sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của Chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022 - 2023.
Doanh nghiệp mong vốn “như nắng hạn mong mưa”
Không chỉ các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang ngóng chờ từng ngày được tiếp cận chính sách hỗ trợ. Doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng sớm tiếp cận nguồn vốn này để được tiếp sức, vực dậy sau đại dịch.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất sẽ không chỉ tác động đến các doanh nghiệp được vay vốn mà còn có tác động tích cực đến cả cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nhận định, bản thân doanh nghiệp nhận được dòng vốn rẻ, giúp chủ động trong việc nhập các nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất vận hành. “Khi đưa ra các gói tín dụng, các ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn đưa ra những điều kiện cho vay ưu đãi với lãi suất hợp lý hơn”, ông Quốc Anh nói.
Để tiếp sức cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp và người dân để chủ động phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, cần sớm giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng để tiếp sức cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến hết 31/12/2022 và mở rộng điều kiện vay vốn, tăng mức cho vay lên tối đa 6 tháng lương tối thiểu vùng/người lao động”, ông Nam kiến nghị.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã chủ động xây dựng các quy định pháp lý như nghị định, thông tư, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ để hướng dẫn triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Trong năm 2022, NHNN sẽ có các giải pháp để tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục và phát triển; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.