Nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công
Sớm đưa các gói hỗ trợ kinh tế vào cuộc sống | |
Giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước | |
Bộ Tài chính đôn đốc các bộ, nghành khẩn trương phân bổ vốn đầu tư công |
Theo kế hoạch, trong thời gian 3-5 năm tới đầu tư công sẽ là lĩnh vực dành được sự quan tâm đặc biệt và Chính phủ tập trung nguồn lực tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP dự báo tăng 6,5% - 7% trong năm 2022. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng số dự án triển khai trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng gần 5.000 dự án với mức vốn bình quân khoảng 210 tỷ đồng/dự án, gấp 2,4 lần trên mỗi dự án so với giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch giải ngân đầu tư công sẽ vào khoảng 2,87 triệu tỷ đồng trong giai đoạn này, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước.
Một số dự án trọng điểm dự kiến triển khai tới đây gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, dự án nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1.
Một số doanh nghiệp sẽ hưởng lớn từ chu kỳ đầu tư công. Đơn cử, Công ty cổ phần FECON (FCN) là một trong số ít các nhà thầu nội địa có chuyên môn kỹ thuật sâu về nền móng các loại kết cấu đặc biệt, xử lý nền đất yếu và công trình ngầm. Theo Công ty chứng khoán SSI, đây là các năng lực cần thiết cho hàng loạt các dự án tàu điện ngầm, cao tốc, sân bay, cảng biển, chống biến đổi khí hậu và các dự án công nghiệp nặng như gang thép, lọc dầu, nhiệt điện và điện gió ngoài khơi, nhất là những loại dự án sẽ được Chính phủ ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2022-2025.
Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) cũng là cái tên đáng chú ý nhờ hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp, xây dựng cơ sở hạ tầng và hạ tầng năng lượng, kinh doanh bất động sản. Một số dự án quan trọng bao gồm nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc có công suất 40 MW, cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có giá thầu đầu tư 603 tỷ đồng, dự án cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn với tổng quy mô dự thầu 1.189 tỷ đồng, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt với quy mô 1.186 tỷ đồng.
Trên lĩnh vực cung cấp dịch vụ giao thông thông minh, mặc dù các yếu tố lạm phát và địa chính trị trên thế giới có thể khiến nhà đầu tư chứng khoán lưỡng lự khi lựa chọn cổ phiếu. Tuy nhiên yếu tố quan trọng là kinh tế Việt Nam đang dần quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định, mở ra cơ hội hấp dẫn với rủi ro thấp cho nhà đầu tư.
Công ty Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử - Viễn thông (ELC) đang chiếm thị phần lớn trên thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong hai năm tới nhờ Chính phủ tập trung đầu tư vào giao thông thông minh cho hạ tầng đường bộ. Doanh nghiệp này có kế hoạch phát triển dự án tại khu đất vàng trong năm 2022, bên cạnh đó, ELC còn sở hữu loạt dự án bất động sản khác như tòa nhà VFT, dự án đất nền 22.000 m2 và khu công nghiệp.
Trong khi đó, cổ phiếu PLC (tổng công ty Hóa dầu Petrolimex) cũng có cơ hội hưởng lợi từ nhu cầu nhựa đường tăng vọt, đi cùng với giá bán tăng mạnh theo cùng xu thế của giá dầu thô. Hiện doanh nghiệp này đang chiếm 25-30% thị phần nhựa đường Việt Nam với tổng công suất gần 400.000 tấn/năm và 7 nhà máy phủ sóng toàn quốc.
Những doanh nghiệp ngành xi măng dự kiến sẽ có kết quả tăng trưởng tích cực hơn trong năm nay. Ví dụ, doanh nghiệp xi măng Hà Tiên (HT1) cung cấp nguyên liệu xây dựng cho các dự án công trong nhiều năm liền và là đối tác chiến lược của các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh những mặt thuận lợi từ làn sóng đầu tư công bùng nổ trong các năm tới thì thách thức cho đa số các doanh nghiệp thi công hạ tầng và vật liệu xây dựng là tỷ lệ đòn bẩy tài chính khá cao, chịu rủi ro từ các khoản nợ đọng cơ bản. Việc chi phí nguyên liệu đầu vào như than, xăng dầu cũng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp nếu không có kế sách quản trị hợp lý.