Đầu tư công cần là “ngọn hải đăng” dẫn dắt kinh tế phục hồi
Điểm sáng đầu tư công
Trong bối cảnh dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp đang tác động và gây thiệt hại nặng nề, trong khi các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế mới đang dần phục hồi thì “điểm sáng” giải ngân vốn đầu tư công cần thực sự trở thành động lực quan trọng và có tính lan tỏa để dẫn dắt kinh tế phục hồi.
Dù chưa được như mong muốn, nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công đã có những chuyển biến đáng kể. Nếu 10 tháng năm 2019, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 54,69% kế hoạch thì con số này đã tăng lên 68,3% trong 10 tháng năm 2020, đưa đầu tư công trở thành một trong những điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng rất tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Có thể nói Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) là điển hình khi đã giải ngân được 29.000 tỷ đồng bằng 73,3% của tổng số 40.000 tỷ đồng được giao. Báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Kinh tế Quốc hội (thời điểm chưa có số liệu giải ngân tháng 10) cũng nhận định, đầu tư công cải thiện tích cực, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt gần 60% kế hoạch vốn và là mức cao nhất 5 năm qua.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều lĩnh vực |
“Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt, đặc biệt là các địa phương đã vào cuộc, giúp cho chúng tôi trong công tác giải phóng mặt bằng và cùng với sự quyết liệt của Bộ thì chúng tôi đã đạt được một số kết quả tích cực như vậy. Kết quả của năm 2020 cũng là một bài học kinh nghiệm rất quý báu để năm 2021 và những năm tiếp theo chúng tôi sẽ thực hiện tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết. Kinh nghiệm của vị Bộ trưởng này là đã xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng của năm, nhờ đó công tác này đã đạt được những kết quả rất tốt - tốt nhất trong 5 năm của nhiệm kỳ này.
Thảo luận trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng đánh giá, giải ngân đầu tư công thực sự là một trong những điểm sáng của nền kinh tế vốn gặp phải nhiều khó khăn vì Covid hiện nay. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), giải ngân cho đến thời điểm này của năm 2020 là tích cực so với cùng kỳ và cả giai đoạn 2016-2020. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), thậm chí còn nhận định kết quả đó cho thấy có sự đột phá, đặc biệt là ở các địa phương.
Hiệu quả hơn trong lựa chọn, nghiêm minh trong xử lý
Tuy giải ngân đầu tư công đã nhanh chóng có chuyển dịch mạnh mẽ trong năm nay thì dù về mặt số liệu là tích cực, nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn cần xem lại các “gốc” nguyên nhân vốn có để có thể tiếp tục duy trì đà chuyển biến này trong những năm tới. Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành vấn đề trầm kha trải qua nhiều năm. Năm nay Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương. Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chủ yếu chỉ ra hầu hết các nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chủ quan thì rất ít, vị đại biểu này nói. Phải nhìn thẳng vào nguyên nhân để có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. “Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu chính là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế. Nhiều bộ, ngành, địa phương cố lập kế hoạch dành cho bằng được nguồn vốn về cho mình mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được”, ông Tuấn Anh nói. Điển hình là Dự án đường vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục; Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông… Bên cạnh đó, việc xác định nguồn gốc đất; lập, thẩm định, phê duyệt đơn giá đền bù và triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng là những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương.
Bổ sung thêm về những khó khăn từ thực tế địa phương, đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng sơn) cho biết, nguồn lực đầu tư công ở một số địa phương hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cho các dự án để thực hiện theo tiến độ đã được phê duyệt, dẫn tới phát sinh nợ giá trị hoàn thành hoặc phải kéo dài thời gian thực hiện dự án. Một số địa phương nguồn thu không đạt dự toán nên cũng không đảm bảo nguồn chi đầu tư công theo kế hoạch được giao (nhất là với những dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất). Một số dự án sử dụng nguồn vốn NSTW hỗ trợ có mục tiêu đến nay chưa được bố trí hết số vốn theo kế hoạch trung hạn hay một số dự án thuộc chương trình mục tiêu chưa được giao vốn 10% dự phòng NSTW… Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng có sự thay đổi nhưng văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, dẫn đến việc triển khai các dự án chuyển tiếp khởi công mới còn vướng mắc, lúng túng trong xử lý các thủ tục liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
“Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm nay 2020 và những năm tiếp theo như mục tiêu đặt ra, bên cạnh các giải pháp như báo cáo của Chính phủ đã nêu, đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm tổng hợp trình Thủ tướng kế hoạch phê duyệt bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025”, đại biểu Dương Xuân Hòa nói.
Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, để nguồn vốn đầu tư công thực sự là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, một mặt đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương. Mặt khác cần kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi giải ngân vốn đầu tư chậm do yếu tố chủ quan.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công, có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Cuối cùng, các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai. “Đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua, đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", vị đại biểu này nhắn nhủ.