Đầu tư công có hoàn thành mục tiêu?
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm |
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, ước đến cuối tháng 10/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 297.700 tỷ đồng, bằng 46,44% kế hoạch, đạt 51,34% vốn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch năm không còn nhiều. Các đơn vị đang tăng tốc nhằm đưa gần 300.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, đạt mục tiêu giải ngân trên 90% cho cả năm 2022.
Giải ngân vốn chịu nhiều sức ép
Mặc dù tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng năm 2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (51,34% so với 55,8% kế hoạch đặt ra cho cả năm), song nếu xét về con số tuyệt đối, số vốn thực hiện của 10 tháng năm nay lại cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 40.387 tỷ đồng. Đó là do ngoài kế hoạch trung hạn được phân bổ cho năm ngân sách 2022, thì trong năm nay cả nước còn triển khai thêm các dự án trọng điểm nằm trong gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, nên đã đẩy số vốn phải thực hiện tăng so với năm 2021 khoảng 120.000 tỷ đồng.
Đầu tư công là một giải pháp quan trọng để phục hồi tăng trưởng |
Bộ Tài chính cho biết, tới ngày 12/10 tổng vốn kế hoạch đầu tư từ ngân sách nhà nước mới chính thức được bổ sung hơn 38.000 tỷ đồng cho các chương trình, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Số vốn này còn “nóng hôi hổi”, chưa giải ngân được, nên đã kéo tỷ lệ giải ngân xuống thấp so với tổng số kế hoạch vốn được giao. Tính thêm số vốn mới này, tổng vốn đầu tư của năm nay đã lên tới hơn 580.000 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư công năm 2022 chịu sức ép nhiều bề vì hai lý do. Thứ nhất, khối lượng thực hiện tăng lên với kỳ vọng đầu tư công sẽ trở thành động lực quan trọng để vực dậy nhanh chóng cả nền kinh tế, trong bối cảnh các động lực khác như xuất nhập khẩu, FDI… đều gặp khó khăn. Thứ hai, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đột biến khiến nhà thầu muốn tăng tốc cũng không thể thực hiện được.
Qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về công tác giải ngân đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra khoảng 25 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó phân thành 3 nhóm chính. Nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách và nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện được xem là những khó khăn, vướng mắc cố hữu, kéo dài nhiều năm. Riêng khó khăn khác mang tính đặc thù của kế hoạch năm nay là do năm 2022 là năm thứ hai triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (thực chất là năm đầu tiên triển khai do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mới được Quốc hội thông qua vào tháng 7/2021); là năm các bộ, địa phương bắt đầu khởi công mới nhiều dự án nên thông thường cần từ 6 - 8 tháng hoàn tất thủ tục. Điều đó dẫn tới tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.
Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu, xăng dầu trong những tháng đầu năm 2022 tăng cao, có tình trạng khan hiếm nguồn cung về cát, đất để san lấp mặt bằng... Chủ đầu tư có tâm lý chọn biện pháp an toàn khi thực hiện ký hợp đồng trọn gói, nên khi xảy ra khó khăn do biến động giá thì nhà thầu sẽ phải gánh chịu, dẫn đến việc nhà thầu thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng.
Hoàn thành không khó, nhưng cần hiệu quả
Trước những khó khăn mang cả tính cố hữu nhiều năm và đặc thù của riêng năm 2022, các chuyên gia đánh giá tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng vừa qua vẫn thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của các bộ, ngành, địa phương. Sự nỗ lực này đã được cụ thể hoá thành việc cải cách thể chế về đầu tư được tiến hành mạnh mẽ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu lực công tác quản lý hoạt động đầu tư.
Theo đó ngay từ đầu năm, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2022, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được phân cấp cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với dự án nhóm B, nhóm C và dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Quyết định này có thể xem là sự trao quyền mạnh mẽ hơn của Trung ương cho các bộ ngành, địa phương, để các cấp chủ động thực hiện, đồng thời đẩy nhanh thời gian chuẩn bị đầu tư dự án, song cũng tăng trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, với tiến độ hiện tại, kết hợp cùng các giải pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra ngay từ những ngày đầu năm và liên tục chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện, ước thực hiện giải ngân năm 2022 vẫn sẽ đạt trên 90% kế hoạch. Song ông Dũng cũng lưu ý, với sự phân cấp trách nhiệm mạnh mẽ như vừa qua, thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước cũng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ làm việc ở từng địa phương, ban ngành. Hiện hơn 76% vốn ngân sách là do địa phương quản lý. Cùng một mặt bằng điều kiện, thể chế, có địa phương giải ngân cao, nhưng có địa phương giải ngân rất thấp.
PGS. TS. Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính cũng nhận định, nhìn lại những năm gần đây thì hầu như năm nào giải ngân đầu tư công cũng vượt dự toán, mặc dù cho tới thời điểm tháng 9, tháng 10 hàng năm tỷ lệ giải ngân còn chưa đạt tới 50%. “Tôi đồng ý là cuối năm tỷ lệ giải ngân có thể đạt yêu cầu nhưng tốc độ giải ngân như vậy làm dòng tiền không được rải ra đều đặn mà bị dồn vào một thời điểm. Điều này là bất lợi cho công tác điều hành vĩ mô hàng năm và cần được khắc phục”, ông Cường khuyến nghị.
Bên cạnh đó, một hạn chế khác được chuyên gia này chỉ ra là chi đầu tư hiện nay không cụ thể, không giải thích về việc ưu tiên cho lĩnh vực nào để người dân có thể cùng theo dõi, giám sát. “Tôi cho rằng cần phải có danh mục chi đầu tư ở cấp Trung ương. Rất nhiều tỉnh đã công bố danh mục chi đầu tư cấp địa phương nhưng ở các cơ quan cấp bộ hay trung ương lại chưa có danh mục này để người dân cùng giám sát tiến độ và đánh giá hiệu quả”, ông Cường chia sẻ thêm.