Đầu tư đồng bộ hạ tầng, giao thông trong du lịch bền vững
Lữ hành Saigontourist đón 9.000 du khách tàu biển quốc tế Quảng Ngãi đánh thức du lịch nông nghiệp |
Thu thêm nhiều "trái ngọt"
Theo khảo sát của Trip Advisor, 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để ở những khách sạn thân thiện với môi trường, 50% du khách quốc tế sẵn sàng chi trả thêm cho những công ty du lịch mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Còn tại Việt Nam, theo Báo cáo du lịch bền vững năm 2024 của Booking.com, có đến 96% du khách Việt Nam khẳng định du lịch bền vững đóng vai trò quan trọng trong lựa chọn của họ, và hầu hết du khách Việt Nam cho biết mong muốn thực hiện các chuyến đi bền vững hơn trong 12 tháng tới.
Từng được ví là tỉnh “4B” (buồn-bực-bụi-bẩn), nhiều nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng và đầu tư vào du lịch bền vững giúp Ninh Bình ngày nay đang chuyển mình trở thành hình mẫu trong phát triển du lịch từ di sản. Đơn cử tại thôn Khê Thượng (xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư) - nơi cận kề với Quần thể danh thắng Tràng An, ông Lưu Đình Vinh, Trưởng thôn cho biết, thôn có 300 hộ với 1.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 80% người dân làm du lịch. Trong thôn hiện có 20 khách sạn, homestay. Có gia đình vừa đầu tư 800 triệu đồng để trùng tu ngôi nhà cổ có tuổi đời gần 200 năm để đón khách đến trải nghiệm văn hóa, mỗi người dân làm du lịch đều ưu tiên bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO khẳng định, Tràng An là một trong những mô hình mẫu mực, tiêu biểu nhất trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững; UNESCO đã chọn Quần thể danh thắng Tràng An là một trong 3 di sản trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững.
Dẫu có nhiều khởi sắc song theo ông Vũ Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam,cũng chỉ ra nhiều thách thức. Khi một doanh nghiệp đầu tư để đưa ra các sản phẩm về phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững sẽ phải tốn rất nhiều nhân lực, công sức, tiền của cũng như lựa chọn sản phẩm và đối tượng khách hàng. Chính vì vậy, để tạo ra một sản phẩm du lịch xanh, bền vững sẽ tốn kém hơn nhiều so với một sản phẩm du lịch thông thường.
Hiện chúng ta cũng chưa có bộ tiêu chí du lịch bền vững áp dụng trên cả nước để nhà đầu tư, doanh nghiệp lên phương án và chuẩn bị nguồn lực tài chính để thực hiện.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua vào năm 2015, xác định rõ du lịch bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng |
Thêm nhiều giải pháp xanh
Để tìm hướng đi thuận lợi hơn cho đầu tư du lịch bền vững, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, đối với các doanh nghiệp phát triển mô hình, sản phẩm du lịch xanh, bền vững, Nhà nước cần có những ưu đãi phù hợp để họ kiên trì theo đuổi hướng đi này như các gói hỗ trợ lãi suất hay cơ chế ưu đãi cho các dự án phát triển du lịch xanh, bền vững; sớm hành lang pháp lý. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn có các chương trình đào tạo về phát triển du lịch xanh, bền vững để đào tạo nguồn nhân lực.
Còn với doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, đầu tư xây dựng được sản phẩm du lịch xanh, bền vững cần chú trọng đến các vấn đề nhu cầu và xu hướng của khách; giá trị cốt lõi của sản phẩm xanh, bền vững; xác định điểm du lịch, đối tác, nhà cung cấp dịch vụ xanh; nâng cao trải nghiệm; hướng dẫn bảo vệ môi trường, tương tác với cộng đồng; từ đó có những đánh giá thực tế và cải tiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thượng Quân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo nhấn mạnh, cần tạo ra mối liên kết giữa hạ tầng xanh - giao thông xanh - công trình xanh để phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, thực hiện giảm bê tông hóa bề mặt, dùng các vật liệu thân thiện giúp thẩm thấu nước mặt, tạo tuyến cảnh quan; tạo các tuyến đường đi bộ, xe đạp, thân thiện môi trường kết nối các khu chức năng; sử dụng các phương tiện giao thông ít thải carbon (xe điện, xe đạp,thuyền chèo...). Bên cạnh đó là việc tái sử dụng nước mưa, nước thải sinh hoạt cho tưới cây và tạo cảnh quan; sử dụng thiết bị tiết kiệm nước; tạo vùng chứa nước trong dự án, sử dụng phương pháp lọc tự nhiên bằng thực vật và sinh vật. Đồng thời, các cơ sở nghỉ dưỡng có thể sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng mặt trời, tăng cường chiếu sáng tự nhiên; tiến hành phân loại rác thải tại nguồn, tái sử dụng rác thải hữu cơ làm phân bón và thức ăn gia súc. Đối với các khu nghỉ dưỡng, cần xây dựng những không gian công viên giúp tạo môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng, giảm khí thải carbon.