Cần chiến lược rõ ràng để thu hút đầu tư du lịch
Du lịch Đà Nẵng: Kỳ vọng và những đột phá Giải quyết bất cập để du lịch Việt Nam bứt phá Cơ hội để ngành du lịch “cất cánh” từ những đường bay mới |
Cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài |
Ngày 29/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học “Những xu hướng mới trong đầu tư phát triển du lịch ở Việt Nam”.
Nguồn lực đầu tư vào dịch vụ lưu trú ngày càng lớn
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, quy mô cơ sở lưu trú tăng từ 12.350 (năm 2010), lên 33.330 cơ sở (năm 2023), với 667.000 buồng, phòng. Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 buồng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 buồng.
Còn theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước hiện có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel (căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng), giá trị ước tính 297.000 tỷ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỷ đồng, gần 30.900 shophouse (nhà phố thương mại), giá trị ước tính 154.000 tỷ đồng. Tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD.
Ghi nhận của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đang là một trong những thị trường thu hút hấp dẫn đầu tư nước ngoài bậc nhất Việt Nam. Điều này được thể hiện ở việc các đơn vị quản lý khách sạn hàng đầu thế giới liên tiếp có kế hoạch mở rộng hoạt động tại đây, với hàng loạt thương hiệu mới sẽ chính thức ra mắt như Mandarin Oriental, JW Marriott, M Gallery, Le Méridien, Wink Hotels, The Ascott Limited...
Trong giai đoạn 2022 - 2025, các đơn vị quản lý khách sạn tiếp tục có kế hoạch mở rộng hoạt động tại khu vực Nam Trung Bộ. Sự hiện diện của nhiều đơn vị quản lý chuyên nghiệp giúp nâng cao vị thế của thị trường khách sạn cao cấp tại Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Yên... Đến hết năm 2023, Đà Nẵng dự kiến có thêm 10 dự án với 2.442 phòng, nâng tổng nguồn cung lên gần 18.000 phòng.
Tương tự, tỉnh Bình Thuận dự kiến đến năm 2025 nguồn cung khoảng 5.000 căn biệt thự nghỉ dưỡng (hiện nay là 4.000 căn). Còn tại Phú Yên, đến năm 2026, khu nghỉ dưỡng Mandarin Oriental, bãi Nồm, sẽ cung cấp 72 căn biệt thự và phòng khách sạn rộng rãi, trong đó có 25 căn biệt thự nghỉ dưỡng riêng tư. Dự báo đến năm 2024, giá thuê phòng sẽ tăng đạt khoảng 25%/năm và có thể đạt mức 119 USD/phòng/đêm. Công suất phòng sẽ hồi phục về mức trước dịch là 63%.
ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang - Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, một số tập đoàn đầu tư nước ngoài trong du lịch điển hình ở Việt Nam như Tập đoàn Marriott International (Mỹ) đã đầu tư xây dựng nhiều khách sạn cao cấp tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.
Tập đoàn cũng đang xây dựng thêm JW Marriott Trang An Resort & Spa được đầu tư và phát triển bởi Tập đoàn BITEXCO, cũng chính vào năm 2028, khu nghỉ dưỡng sang trọng này sẽ mang đến 150 phòng rộng rãi, cùng với 35 biệt thự một và hai phòng ngủ, bao gồm các biệt thự có hồ bơi.
Tập đoàn AccorHotels (Pháp) cũng đã đầu tư xây dựng nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Indonesia. AccorHotels đang quản lý 28 khách sạn ở 12 tỉnh thành của Việt Nam gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Huế, Hội An, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hạ Long, Uông Bí, Phú Quốc, Hải Phòng, Sapa (khách sạn Hotel de la Coupole - MGallery by Sofitel) với các thương hiệu như Sofitel Legend, Sofitel, Pullman, MGalery, Mercure, Novotel, Angsana, Banyan Tree, Ibis và Ibis Styles.
Trong 2 năm tới, AccorHotels sẽ khai trương thêm 19 khách sạn nữa và đưa thêm các thương hiệu khách sạn hạng sang vừa mới mua lại như Raffles, Fairmont, Movenpick vào Việt Nam. Mục tiêu của AccorHotels là mở rộng thêm tầm ảnh hưởng của mình vào những vùng du lịch mới nổi như Vân Đồn, Quảng Bình, Phú Yên, các tỉnh miền Tây... cũng như tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhiều loại đối tượng.
Chưa thu hút được đầu tư
Ông Phạm Văn Thủy - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, hoạt động thu hút đầu tư trong ngành du lịch vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: còn thiếu chiến lược thu hút, chưa thực sự tạo thuận lợi hỗ trợ các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực du lịch, chưa có chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể cho các nhà đầu tư tại các vùng khó khăn nhưng giàu tiềm năng du lịch.
Nhiều địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa thu hút được đầu tư, hạ tầng kỹ thuật giao thông tiếp cận nhiều điểm du lịch tiềm năng còn hạn chế, làm nản lòng nhà đầu tư; nhiều dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ hoặc thực hiện dở dang, chưa thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn, chuyên nghiệp…
Bà Trần Ngọc Phương Hà, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH Image Travel & Events chia sẻ, hành trình phát triển du lịch bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu tiên, là khó khăn trong việc thay đổi nhận thức và thói quen của người Việt. Không phải du khách nào cũng cảm thấy vấn đề về môi trường, bảo tồn văn hóa là quan trọng.
Đại diện Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, Chính phủ cần tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cải thiện thủ tục hành chính, giảm thuế và các rủi ro liên quan.
Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút họ đầu tư vào ngành du lịch của nước ta.
Đặc biệt, Chính phủ cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam.