Đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng trưởng tốt
Gam màu sáng là chủ đạo
Nếu như năm 2021, tổng vốn đầu tư đăng ký mới ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tăng gần 29% so với cùng kỳ thì trong 8 tháng năm nay, số vốn đăng ký mới đã tăng tới 230%.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, trong 8 tháng đầu năm có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 344,8 triệu USD, tăng mạnh so với cùng kỳ; trong đó có 5 dự án lớn được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là dự án CTCP Giải pháp năng lượng Vines sang Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan với tổng vốn đầu tư mỗi dự án hơn 34,7 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong 8 tháng đầu năm 2022, có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 50,9 triệu USD, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước do cùng kỳ năm trước có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn, như dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và một dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Như vậy, nếu nhìn xuyên suốt bức tranh đầu tư ra nước ngoài trong 2 năm 2021-2022 thì gam màu sáng vẫn là chủ đạo.
Thăm dò, khai thác dầu khí là một trong những lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt. |
Trong 8 tháng 2022, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 218,4 triệu USD, chiếm 55,2% tổng vốn đầu tư; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 35,3 triệu USD, chiếm 8,9%; khai khoáng đạt 34,9 triệu USD, chiếm 8,8%.
Phân chia theo địa bàn, có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào dẫn đầu với 66,4 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư; Singapore 41,5 triệu USD, chiếm 10,5%; Hoa Kỳ 37,8 triệu USD, chiếm 9,6%; Đức, Hà Lan, Pháp cùng đạt 34,7 triệu USD, cùng chiếm 8,8%.
Doanh nghiệp tư nhân đủ lực vươn xa hơn
Số liệu luỹ kế đến tháng 7/2022 cho thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã không còn là “mảnh đất riêng” của khối doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và bắt đầu coi đây là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Theo đó, đến nay Việt Nam có 1.576 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 21,57 tỷ USD; trong đó, có 139 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn gần 11,6 tỷ USD. Như vậy, số lượng dự án của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước chỉ chiếm gần 9%, nhưng số vốn chiếm tới 53,8% tổng vốn đầu tư.
Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm thế áp đảo vì các lĩnh vực rót vốn chủ yếu là khai khoáng, viễn thông, tài chính - ngân hàng… đều có quy mô dự án lớn.
Tính đến nay, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đang tập trung nhiều nhất vào ngành khai khoáng (32,3%); nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (16%). Tuy nhiên, với xu thế doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài thì trong tương lai, cơ cấu các lĩnh vực rót vốn đầu tư hứa hẹn sẽ có sự thay đổi, trong đó tập trung nhiều hơn vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng…
Điển hình là trong hai năm vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã liên tục đầu tư vào các nước phát triển như: Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Canada… để đẩy nhanh chiến lược phát triển công nghiệp sản xuất ô tô.
Có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đầu tư vào những thị trường truyền thống mà còn đầu tư vào những thị trường lớn, có trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật cao. Theo các chuyên gia đây là tín hiệu tốt, cho thấy chất lượng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đang dần được cải thiện.
Doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài đều có những tính toán của riêng họ, như để mở rộng thị trường, khai thác nguồn ngoại tệ, hay đơn giản là để chuyên nghiệp hóa hoạt động…
Đơn cử như CTCP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình (HBC) đã xác định "xuất ngoại" sẽ là mũi nhọn phát triển trong thời gian tới. Lý do chủ yếu là do trên thị trường xây dựng trong nước hiện nay, tình trạng cung lớn hơn cầu khiến các nhà thầu đối mặt với sự cạnh tranh về giá rất khốc liệt, trong khi ở một số quốc gia khác thì cạnh tranh không lớn như vậy.
Từ phía cung, HBC đánh giá sự cạnh tranh gia tăng không chỉ giữa các nhà thầu hiện hữu mà hàng loạt tên tuổi mới cũng gia nhập thị trường khiến nguồn cung nhà thầu xây dựng tăng lên. Từ phía cầu, dự báo nhu cầu xây dựng dân dụng sẽ chững lại trong thời gian tới do chịu tác động kép từ sự sụt giảm của thị trường bất động sản hậu Covid-19 cùng giá vật liệu xây dựng tăng mạnh. Chưa kể các vấn đề nút thắt pháp lý đối với thị trường này vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT HBC đặt mục tiêu, đến năm 2032 doanh thu từ thị trường nước ngoài sẽ đóng góp chủ lực với 13 tỷ USD (tương đương 68,5% tổng doanh thu). Bốn thị trường HBC đang hướng đến là Canada, Úc, Mỹ và châu Âu.