Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công
Ngày càng được quan tâm
Không phải cho đến nay, đầu tư công mới được nhìn nhận là động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, động lực này thực sự rất quan trọng trong giai đoạn hậu đại dịch, trong bối cảnh thách thức, bất định từ bên ngoài gia tăng rất cần phát huy động lực từ bên trong, nhất là khi xuất khẩu sụt giảm, tiêu dùng chưa phục hồi được về mức trước đại dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn và đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh... Tăng cường đầu tư công có thể xem là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy cầu nội địa, qua đó phục hồi tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng |
Với quan điểm đó, nhờ những nỗ lực cải cách thể chế, quy định liên quan; sự quyết liệt, thường xuyên đôn đốc kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các Tổ công tác trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân đầu tư công, nên các tình trạng như giao vốn chậm, vốn chờ dự án, phê duyệt dự án không gắn với khả năng cân đối vốn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải manh mún, dự án bị kéo dài thời gian, đội vốn... hay giải ngân thường “đủng đỉnh đầu năm, vội vã cuối năm”... đã giảm đi rất nhiều.
Tại Nghị quyết số 44/NQ-CP, Chính phủ cũng lưu ý: Không báo cáo cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn không giải ngân hết kế hoạch năm 2023, không được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được phép bố trí lại kế hoạch vốn ngân sách trung ương các năm 2024, 2025 tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2023, bị hủy dự toán cho các nhiệm vụ, dự án bảo đảm bố trí đủ vốn, hoàn thành đúng tiến độ, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương có giải pháp để thực hiện nghiêm việc giải ngân vốn đầu tư công, tránh tình trạng phải kéo dài thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn hàng năm hoặc hủy dự toán. |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 661.705,031 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (91,42%), về số tuyệt đối cao hơn khoảng 132 nghìn tỷ đồng so với 2022. Quý I/2024, giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 90 nghìn tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tăng 3,32% và số tuyệt đối cao hơn khoảng 16,5 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023). Số liệu giải ngân tích cực hơn ngay từ quý đầu năm như vậy tạo đà bứt phá cho các quý tiếp theo trong năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù toàn bộ 657.348,9 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 (được Quốc hội phân bổ) đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trung ương, nhưng đến ngày 30/3/2024, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 625.305,864 tỷ đồng, tức mới đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết vẫn còn tới 32.043,036 tỷ đồng (chiếm 4,9% kế hoạch), chủ yếu liên quan đến các dự án khởi công mới, chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân năm nay, vấn đề trước tiên là cần khẩn trương phân bổ hết số vốn còn lại theo kế hoạch. Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 vừa ban hành đã nhấn mạnh yêu cầu này: “Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương phân bổ 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, báo cáo phương án phân bổ, gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công theo quy định trong tháng 5/2024”.
Nhấn vào hiệu quả giải ngân
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng 1% trong thực hiện đầu tư công sẽ tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2024 của ADB nhận định: “Đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, song cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh”. Báo cáo ADO lưu ý, tỷ lệ thực hiện đầu tư công so với kế hoạch luôn ở mức thấp, dao động quanh 80% trong năm (tính đến hết tháng 12 mỗi năm), trong các năm 2022 và 2023.
Các thách thức được ADB chỉ ra gồm: Một số dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ nhưng đôi khi vẫn chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ, kéo dài; Các dự án đôi khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả sau khi đã được phê duyệt và phân bổ vốn nhưng thủ tục phê duyệt điều chỉnh chậm; Sự phức tạp của các quy định, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng...
Cho rằng việc phê duyệt và phân bổ 27,3 tỷ USD ngân sách cho đầu tư công năm này là rất tích cực, là cơ hội để tiếp tục duy trì đầu tư công làm động lực tăng trưởng, theo ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam: “Vấn đề bây giờ là sẽ phải tăng hiệu quả thực hiện, thể hiện ở chỗ tăng tỷ lệ giải ngân lên”.
Ghi nhận vừa qua Chính phủ đã sát sao, đưa ra những biện pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong ngắn hạn, như liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; tháo gỡ các vấn đề về nguyên vật liệu... để đẩy nhanh việc giải ngân, đẩy nhanh tiến độ thi công, triển khai các dự án trên thực tế, nhưng chuyên gia này cho rằng, liên quan đến thủ tục cho đầu tư công, ví dụ như khi phải có những điều chỉnh do nhu cầu triển khai dự án (đã được phê duyệt và phân bổ ngân sách) thì thủ tục phê duyệt điều chỉnh hiện nay còn chưa được hiệu quả vì trong thời gian phải đợi phê duyệt điều chỉnh thì dự án không được tiếp tục triển khai.
“Nếu cải thiện được thủ tục để quá trình phê duyệt sửa đổi nhanh hơn, thậm chí trong một phạm vi nhất định có thể linh hoạt hơn, chủ động hơn cho chủ đầu tư hoặc đơn vị thực hiện dự án thì sẽ thúc đẩy triển khai tốt hơn”, ông Hùng đề xuất.
Bên cạnh đó, về dài hạn, chuyên gia này cho rằng, đầu tư công và quy trình phân bổ ngân sách cần phối hợp tốt hơn. Đồng thời, trong thiết kế và xây dựng, chuẩn bị dự án cũng nên có những bước chuẩn bị song song, thay vì thực hiện tuần tự từng bước như hiện nay. Ví dụ như trong thủ tục phê duyệt dự án, thủ tục chuẩn bị giải phóng mặt bằng, thủ tục về chuẩn bị hồ sơ thầu, đấu thầu... Những thủ tục đó nếu làm song song được thì sẽ giúp rút ngắn thời gian từ lúc dự án được phê duyệt, phân bổ ngân sách cho đến thời điểm nhà thầu có thể khởi công dự án.
“Càng rút ngắn được thời gian chuẩn bị như vậy thì dự án càng có hiệu quả. Ví dụ, các dự toán chi phí của dự án sẽ phù hợp hơn. Còn nếu phải chờ đợi kéo dài, từ lúc dự toán dự án được phê duyệt cho đến lúc thực tế được triển khai mà cách nhau tới 1-2 năm thì giá cả đã biến động, và lúc đấy lại phải đi xin sửa về tổng mức đầu tư hoặc sửa các cấu phần dự án. Như vậy, nếu chúng ta càng làm được nhanh thì càng đỡ phải sửa”, chuyên gia này nói.