Vốn tín dụng xanh: Cần doanh nghiệp đi trước
Tín dụng xanh: Chờ tiêu chí, cơ chế để tăng tốc Thiếu tiêu chuẩn phân loại dễ gây nhầm lẫn dự án xanh |
“Kinh tế nâu” vẫn chiếm 98%
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, mặc dù việc đầu tư phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chú trọng, quan tâm, tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh những năm gần đây đã đạt mức hai con số (12 - 13%), tuy nhiên quy mô nền kinh tế xanh trong tỷ trọng nền kinh tế cả nước vẫn ở mức rất nhỏ.
“Tính đến hiện tại, nền kinh tế xanh của Việt Nam xếp ở vị trí 79/160 trên toàn cầu, tương đương ở mức top 50%. Trong đó, về cơ sở hạ tầng xanh, Việt Nam mới ở vị trí 94/160, nằm trong top 75% toàn cầu. Quy mô nền kinh tế xanh hiện nay của nước ta mới ở mức 2%, có nghĩa là nền kinh tế nâu vẫn chiếm đến 98%”, ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, từ cuối năm 2023 đến nay, các thị trường lớn (như EU) đã áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xi măng, sắt, thép, nhôm và hóa chất, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu, điện và hydro. Từ đầu năm 2025, quy định về chống phá rừng của châu Âu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong khi đó, hiện Việt Nam vẫn đang nằm trong top 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Vì thế, nếu không nhanh chóng cải tổ, áp dụng các tiêu chuẩn kinh tế xanh thì nguy cơ bị các đối tác thương mại kiểm soát chặt là rất lớn.
Nhiều công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh được giới thiệu tại các hội nghị, triển lãm về phát triển kinh tế xanh, nhưng không nhiều doanh nghiệp có đủ nguồn lực để đầu tư, áp dụng trên thực tế. Ảnh: Q.Huy |
Đồng quan điểm, ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, hiện nay, dù nhận thức được việc chuyển đổi xanh, xanh hóa quy trình sản xuất, xuất khẩu là rất cần thiết và cấp bách. Vì việc đầu tư xây dựng, vận hành các tiêu chuẩn xanh sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao được danh tiếng thương hiệu, thu hút và giữ chân nhân tài và tiếp cận được các thị trường mới cũng như huy động được nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, trên thực tế số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đủ nguồn lực để đầu tư chuyển đổi xanh là không lớn.
“Hiện nay, 80-90% các doanh nghiệp nhỏ vẫn lo “ăn cho no, ăn cho ngon” chứ chưa nhiều doanh nghiệp nghĩ đến chuyện “ăn thế nào cho an toàn, bảo vệ mội trường”, ông Tuệ ví von.
Từ góc độ một người từng có nhiều năm công tác tại các NHTM, ông Tuệ đánh giá rằng, những năm gần đây, hệ thống các TCTD đã rất tích cực trong việc triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính, tín dụng phục vụ kinh tế xanh. Tuy nhiên, để tiếp cận các khoản vốn tín dụng tài trợ và các chương trình ưu đãi lãi suất đòi hỏi các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí xanh về hạ tầng, về công nghệ, quy trình sản xuất, xuất khẩu.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam của ADB, cho biết tính đến nay, khoảng 4,5% tổng dư nợ các khoản vay của các TCTD tại Việt Nam được ngân hàng tính vào tín dụng xanh, khoảng 21% các khoản vay được các ngân hàng đánh giá về các yếu tố về môi trường và xã hội. Đây là những biểu hiện rất tích cực.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng để tăng quy mô thị trường tài chính xanh, tín dụng xanh thì “chìa khóa” nằm ở phía doanh nghiệp chứ không ở các TCTD và các tổ chức tài chính.
“Vì nếu doanh nghiệp không tự chuyển đổi xanh thì tiền vào doanh nghiệp không xanh được. Bản thân doanh nghiệp phải chuyển đổi xanh trước thì các nguồn tài trợ cho hoạt động chuyển đổi xanh của doanh nghiệp mới trở thành tài chính xanh”, ông Hùng phân tích.
Cần những cơ chế ưu đãi thiết thực
Theo TS. Trần Du Lịch, Chuyên gia kinh tế - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 tại TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, ở góc độ các bộ, ngành thì ngành Ngân hàng đã khá tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, từ 2015, NHNN đã phối hợp với IMF ban hành sổ tay hướng dẫn đối với hoạt động tài trợ vốn các dự án xanh cho nhiều ngành và lĩnh vực. Các NHTM hiện nay cũng đã sử dụng các chuẩn xanh, đưa ra các biện pháp riêng trong đánh giá về các tiêu chí môi trường và tiêu chí xã hội.
TP. Hồ Chí Minh hiện đang xây dựng nhiều chương trình, đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xanh, trong thời gian tới sẽ hoàn thành nhiều công trình hạ tầng xanh lớn (Ảnh: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 đang dần hoàn thiện - Q. Huy) |
Ở góc độ địa phương, theo ông Lịch, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho 34 dự án. Tuy nhiên, quy mô này còn rất nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và quản lý chất thải. Vì thế, các tổ chức tài chính quốc tế vẫn ngần ngại tham gia hợp tác, đầu tư.
Cũng theo TS. Lịch, hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các cơ chế thí điểm phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 98/2023/QH15. Thời gian qua, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn từ HFIC đã được nối lại với các doanh nghiệp, dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển tại địa phương. Tuy nhiên, các quy định liên quan cụ thể đến lĩnh vực kinh tế xanh vẫn chưa được nhấn mạnh, tạo ra các cơ chế hỗ trợ, tài trợ riêng phù hợp với từng ngành, nghề.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai cơ chế sử dụng ngân sách cấp bù hỗ trợ lãi suất vay tín dụng đối với các dự án xanh, đồng thời tham mưu các sở, ngành liên quan để xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, phân loại dự án và đưa ra các mức ưu đãi, hỗ trợ”, ông Lịch cho biết.
Về phía ngành Ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều nội dung chỉ đạo liên quan đến tài chính xanh, tín dụng xanh. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển xanh, bao gồm ban hành các chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay xanh, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và nâng cao năng lực của các TCTD để mở rộng tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, theo các NHTM, các chuyên gia kinh tế, để nâng quy mô nền kinh tế xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, các bộ, ngành cần đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện các khung pháp lý cũng như tính toán xây dựng các cơ chế ưu đãi, ưu tiên, hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp xanh, dự án xanh.
Ở cấp độ quốc gia, TS. Bùi Duy Tùng (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập Hội đồng Tài chính xanh Quốc gia với vai trò điều phối và giám sát các chương trình tài chính xanh. Hội đồng này có thể tạo ra nền tảng đối thoại thường xuyên giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính để giải quyết các vướng mắc. Trong khi đó, để giải quyết các thách thức của tài chính xanh, cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ; đồng thời thiết lập hệ thống tiêu chuẩn phân loại xanh để đảm bảo tính minh bạch và khả năng ứng dụng thực tế.
Riêng đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, các chuyên gia cho rằng ngân sách nhà nước (cả Trung ương và địa phương) cần gia tăng các nguồn lực tài trợ về thuế, phí và hỗ trợ trực tiếp cho các dự án. Song song đó cần có các đơn vị chuyên trách bảo lãnh tài chính cho các dự án xanh để các TCTD mạnh dạn tài trợ vốn đảm bảo các khoản vay xanh được “bơm” vào đúng chỗ, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.