Mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Nhiều chỉ tiêu kinh tế khó hoàn thành nếu không đột phá hơn |
Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
Cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung, trong 11 tháng qua, nền kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ năm ngoái trên hầu hết các lĩnh vực. Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng cũng chỉ rõ tình hình khu vực, quốc tế còn nhiều bất định, rủi ro; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực khó khăn; đời sống một bộ phận người dân chưa được cải thiện…
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt theo tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”.
Về công việc từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn: Thứ nhất là tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; Thứ hai là tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Thứ ba là tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Trong đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, kiên quyết không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Thủ tướng đặc biệt lưu ý tập trung cao độ cho công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”; Tạo sự thống nhất trong nội bộ, trong tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ; các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,4 - 7,6%, cả năm 2024 đạt trên 7%, góp phần vào thành tựu chung của kế hoạch 5 năm 2021-2025; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025; đồng thời tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng 2 con số.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh |
Phối hợp chính sách linh hoạt và đồng bộ
Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn liền với ổn định vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Trong đó, về chính sách tiền tệ, NHNN tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; bảo đảm thủ tục thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Về chính sách tài khoá, tiếp tục phấn đấu tăng thu năm 2024 trên 15%, tiết kiệm chi nhất là chi thường xuyên; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử; triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu tiếp tục thực hiện ngay từ đầu năm 2025. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo nghị quyết của Quốc hội; sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025; báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và tiết kiệm chi đầu tư để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; hướng dẫn các địa phương sử dụng tiết kiệm chi 5% (hơn 6.000 tỷ đồng) để xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm… nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới. Kiên quyết bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng; đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng điện trong dài hạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch. Tận dụng 17 FTA đã ký; mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal, Mỹ Latinh, châu Phi... Thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số; chuyển đổi xanh; thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới; phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng, liên kết vùng. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo, hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển. Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển.
Kinh tế 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, nổi bật là: (1) Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều phục hồi, phát triển tốt; (2) Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát (CPI bình quân 11 tháng tăng 3,69%), các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; (3) Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, xuất siêu lớn (xuất khẩu 11 tháng tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%; xuất siêu trên 24,3 tỷ USD); (4) Du lịch phục hồi mạnh (khách quốc tế tháng 11 đạt 1,7 triệu lượt, tăng 38,8% so với cùng kỳ; 11 tháng đạt 15,8 triệu lượt, tăng 41%); (5) Tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng đạt 106,3% dự toán, tăng 16,1%; (6) Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực (giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng đạt 60,43% kế hoạch; vốn FDI thực hiện đạt 21,7 tỷ USD, tăng 7,1%, cao nhất trong nhiều năm qua); (7) Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực (tính chung 11 tháng có 218.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,4% so với cùng kỳ); (8) Cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh (trong 11 tháng năm 2024, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 356 quy định kinh doanh; phân cấp giải quyết 172 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 286 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân)… |