Để đạt tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024 là nhiệm vụ khó
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô Năm 2024, quyết tâm thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế |
Tình hình kinh tế có xu hướng tích cực
Thảo luận tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2023, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, song với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Kết quả nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng đạt gần 95% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn trên 172 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất…
Thu hút đầu tư nước ngoài do kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại rất tích cực |
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như: Sức ép lạm phát trên thế giới còn cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu; Thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc; Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; Sản xuất kinh doanh, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu năm 2023; Tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Xử lý hiệu quả các tồn tại, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường, nhất là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, lao động...; Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Đặc biệt, cần lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực...
Nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024
Với năm 2024, một trong những mục tiêu Nghị quyết số 103 của Quốc hội đặt ra là đạt tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5%. Đề cập đến điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Nếu trước đây, chúng ta đặt nhiệm vụ giữ ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới đến các giải pháp khác thì năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước. Điều này đòi hỏi quyết tâm của toàn hệ thống chính trị cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những mục tiêu đã bị giảm sút trước đây…”.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết 103, ông Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01/2024/NQ-CP của Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2024. Bộ cũng đã trình dự thảo đầu tiên để các thành viên Chính phủ cho ý kiến, sau đó sẽ tiếp thu và hoàn thiện để trình ra phiên họp Chính phủ với các địa phương vào đầu tháng 1/2024.
“Đây là Nghị quyết trọng tâm, xương sống trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho cả năm 2024, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ chọn chủ đề năm 2024 là “Phát triển bứt phá”, từ đó tận dụng các cơ hội thông qua các thành quả của hoạt động chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là hoạt động đối ngoại cấp cao của chúng ta...”, ông Phương cho biết thêm.
Nhận định về cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kết quả của những tháng cuối năm 2023 cơ bản rất tích cực. Mặc dù không đạt được những mục tiêu cao như kỳ vọng hay như kế hoạch ban đầu nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay, kết quả như vậy tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024. “Qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy cả đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024”, ông Phương cho biết.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, chúng ta đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước và dần lấy lại được đà tăng trưởng xuất khẩu. Đối với tiêu dùng 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng trên 9%, tiệm cận mức hai con số như trước thời kỳ đại dịch Covid-19. Về đầu tư, trên cả ba mặt là đầu tư nhà nước, đầu tư FDI và đầu tư tư nhân thì cơ hội gia tăng đầu tư trong năm 2024 khá tốt. Đặc biệt việc thu hút đầu tư nước ngoài do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại rất tích cực, nhất là những lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn…
Riêng về đầu tư tư nhân, mặc dù năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, lại bị tác động từ các bất cập trong nước như từ thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp hay chứng khoán… nhưng qua đánh giá sơ bộ, năm 2024 khả năng phục hồi và hoạt động trở lại bình thường của các thị trường này khá tốt. Điều này sẽ kích thích được đầu tư trong nước.
“Rà soát như vậy để thấy chúng ta có khả năng thực hiện được mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% của năm 2024, tương đương với mức bình quân chung mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xác định đây là một nhiệm vụ khó bởi năm 2024 vẫn còn những khó khăn mà đến nay vẫn chưa thể dự báo được...”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.