Để đầu tư công là “trụ cột” trong phát triển
Tháo gỡ khó khăn để đầu tư công thực sự là động lực Để đầu tư công thực sự trở thành nguồn vốn mồi |
Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011-2022, vốn đầu tư công tăng lên trong tổng vốn đầu tư của kinh tế nhà nước. Nếu tính bình quân năm, trong giai đoạn này, tổng vốn đầu tư công đã đạt 396.706 tỷ đồng, chiếm 57,8% so với tổng vốn đầu tư kinh tế nhà nước là 686.209 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm lực của vốn đầu tư công rất lớn và nhu cầu luôn tăng.
Đầu tư công kích thích tổng cầu, tăng hiệu năng của chính sách tiền tệ |
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Anh, Trường Đại học Bryan (Hoa Kỳ), đầu tư công góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, đầu tư công kích thích tổng cầu, tăng hiệu năng của chính sách tiền tệ, tài khóa, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm tính liên tục của hoạt động kinh tế, góp phần tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động đột ngột và bất định của môi trường bên ngoài. Thậm chí, đầu tư công còn góp phần thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thích nghi với đứt gãy chuỗi cung ứng và suy giảm tổng cầu.
Kết quả là GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương kể cả trong giai đoạn chịu tác động sâu sắc nhất của đại dịch Covid (năm 2020 và 2021). Năm 2022 tăng trưởng đạt 8,02%, năm 2023 đạt 5,05% và năm 2024 theo kế hoạch được Quốc hội thông qua, có thể kỳ vọng đạt 6,5%. Những lĩnh vực khó khăn, những địa bàn phát triển kém lợi nhuận của nền kinh tế đã được đầu tư công đảm nhiệm. Ngoài ra, đầu tư công còn khuyến khích mạnh đầu tư nước ngoài.
Trong giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn, tăng trưởng vốn đầu tư khu vực nhà nước đạt cao nhất làm tăng lòng tin vào triển vọng lạc quan và là động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Đầu tư công còn góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tạo thu nhập cho người lao động. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về đầu tư công ở nhiều quốc gia, cứ 1 triệu USD đầu tư công giải ngân sẽ tạo thêm được 200 việc làm mới, con số này cũng khá phù hợp với Việt Nam. Cùng với đó, nó còn góp phần thúc đẩy liên kết vùng và tăng tính thống nhất của nền kinh tế; Giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để “không ai bị bỏ lại phía sau”; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, dẫn dắt đổi mới sáng tạo…
Chuyên gia Nguyễn Minh Anh cũng cho rằng, thực tiễn gần 40 năm thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đã khẳng định hướng đi này là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Đầu tư công thực sự là công cụ hữu hiệu, không thể thay thế để nhà nước thực hiện vai trò kinh tế nói chung và thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nói riêng trong việc giảm thiểu những tác động bất lợi của kinh tế thị trường như cạnh tranh dẫn đến phá sản, thất nghiệp, các vấn đề an ninh xã hội, tính chu kỳ của nền kinh tế và những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như tận dụng những tiến bộ công nghệ diễn ra nhanh chóng từ cuộc CMCN 4.0. Việt Nam sẽ chủ động tiếp nhận các tác động đa dạng, sôi động, cùng nhiều yếu tố bất định của thị trường đầu tư trong nước và ngoài nước để điều chỉnh chiến lược đầu tư công phù hợp, tạo nguồn dữ liệu đáng tin cậy để hoàn thiện chính sách, cơ chế và thể chế điều tiết.
Bên cạnh những tác động tích cực trên, thực tiễn Việt Nam và các nước trong khu vực cũng cho thấy đầu tư công, nếu thiếu định hướng rõ ràng và dài hạn, sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi, gây tình trạng lãng phí nguồn lực, thậm chí lạm phát. Nếu cơ chế phân bổ, giải ngân và giám sát đầu tư công thiếu khoa học, không chặt chẽ, thiếu hiệu quả, có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng hoặc thất thoát nguồn lực thuộc sở hữu toàn dân, làm giảm tác động tích cực mong đợi.