Để đồng bằng sông Hồng phát huy vai trò là vùng kinh tế động lực, đầu tàu của cả nước
Trục cao tốc phía Đông: Tạo ra cực tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng | |
Hội nghị xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng |
Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 54-NQ/TW phối hợp với Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”.
Phát triển chưa tương xứng tiềm năng, quy hoạch còn bất cập
Nghị quyết 54 được ban hành cách đây 17 năm. “Đây là Nghị quyết rất quan trọng để các tỉnh, thành, trong đó Thành phố Hải Phòng có cơ sở để tích cực triển khai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng”, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nói.
Điểm lại kết quả 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và Kết luận 13 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước với chất lượng được cải thiện dựa nhiều hơn vào năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước; một số địa phương trong vùng phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh, chiếm 31,4% tổng vốn FDI của toàn quốc. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật, 99,2% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện các đột phá chiến lược và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều các địa phương trong vùng. Chất lượng tăng trưởng chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị.
Quy hoạch không gian phát triển còn bất cập, tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến. Các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành.
Hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu kết nối, chưa bền vững. Quy hoạch đô thị có nhiều hạn chế. Đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, nhiều dự án kéo dài, gây lãng phí nguồn lực…
Khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển. Quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế. Ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp…
Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng.
Cần một Nghị quyết mới cho vùng này
Hội nghị đã đánh giá sâu và nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của vùng, các địa phương, đặc biệt là vị trí, vai trò của vùng đồng bằng sông Hồng với cả nước để. Và đã phát hiện các vấn đề có ý nghĩa và tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế vùng, địa phương, nhất là các tác động của cách mạng khoa học - công nghệ, các xu thế kinh tế mới và hội nhập kinh tế sâu rộng của vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, Hội nghị đã đề xuất bổ sung, điều chỉnh quan điểm phát triển và nhiệm vụ cho từng ngành, lĩnh vực phù hợp trong thời gian tới, ví dụ như chiến lược phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa; lĩnh vực môi trường; lĩnh vực văn hóa....
Ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương sớm hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2020, tầm nhìn đến 2050. Đây là cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng phát triển quy hoạch tỉnh; nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng bền vững; khuyến khích phát triển đô thị xanh, thông minh, trong đó Hà Nội trở thành đại đô thị thông minh dẫn dắt cả vùng.
Trong khi đo, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị làm sâu sắc hơn về những kết quả đạt được về liên kết vùng và làm thế nào biến tư duy liên kết vùng vào thực tế triển khai thực hiện.
Theo đó, cần làm rõ quy hoạch vùng, bố trí không gian phát triển cho vùng để tránh đứt đoạn. Trong quy hoạch nếu không bố trí các mạng lưới khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm logistics thì sẽ thất bại về liên kết vùng. Nếu không xác định được cái nào phục vụ địa phương, cái nào phục vụ nội vùng và quốc gia thì sẽ không đạt được mục tiêu tổng thể...
Hội nghị thống nhất kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết và chỉ đạo Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương.
Đồng thời kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, để liên kết vùng trở thành động lực tăng trưởng cho vùng.
Đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh tạo bước phát triển mới trong thời gian tới, đặc biệt là về các cơ chế, chính sách đặc thù về thuế, tài chính - ngân hàng… kịp thời cho từng tiểu vùng, từng không gian lãnh thổ, từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế chung.
Không vì tiềm năng, lợi ích nhỏ của một vài địa phương làm ảnh hưởng đến lợi ích chung và dài hạn của vùng, nhất là trong quản lý đất đai và thu hút các nguồn lực để phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp, phát triển du lịch, phát triển văn hóa, y tế... và thực hiện tốt các nhiệm vụ trong hội nhập kinh tế quốc tế.