Để hỗ trợ lãi suất cho DNNVV phát huy hiệu quả
Theo số liệu thống kê của Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME), đầu năm 2021 cả nước có khoảng 750.000 doanh nghiệp, trong đó 96% là DNNVV. Tuy nhiên do đặc điểm của DNNVV là những công ty nhỏ hoặc hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, thị phần không lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp… nên rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc.
Trên thực tế, 8 tháng đầu năm nay đã có hơn 85.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể do ảnh hưởng của Covid-19, trong đó phần nhiều là DNNVV. Những doanh nghiệp còn đang hoạt động cũng gặp rất nhiều khó khăn trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư.
Ảnh minh họa |
Thấu hiểu điều đó nên từ nhiều năm qua, DNNVV luôn là một trong những đối tượng ưu tiên trong chính sách tín dụng của ngân hàng. Theo đó, NHNN đã quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có DNNVV được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường.
Bên cạnh đó, NHNN còn ban hành nhiều chương trình tín dụng đặc thù đối với một số ngành/lĩnh vực như: Cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cho vay trên cơ sở bảo lãnh các tổ chức bảo lãnh cho các DNNVV sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển…
NHNN cũng thường xuyên yêu cầu các TCTD đa dạng hóa các chương trình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, chuẩn hóa quy trình thu thập khai thác thông tin khách hàng, qua đó nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá tín nhiệm và tăng cường cho vay không có tài sản đảm bảo, triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn của DNNVV trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng cũng triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ được “thiết kế” dành riêng cho các DNNVV với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp hơn để hỗ trợ DNNVV ứng phó với đại dịch.
Bà Lương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Chuyển đổi số và Quản lý dự án - Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) cho biết, trước khi xảy ra Covid-19 các ngân hàng đã cung cấp dịch vụ cho vay vốn với tốc độ nhanh và được ra quyết định vay dựa trên sự thấu hiểu doanh nghiệp như các hoạt động thanh toán trả lương, thu chi hộ mà không cần tới ngân hàng; tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi cung ứng, vay vốn không cần tài sản đảm bảo.
Ghi nhận những giải pháp hỗ trợ của ngành Ngân hàng với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, toàn hệ thống ngân hàng đã nhất quán chủ trương “thắt lưng buộc bụng” để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ, thậm chí hoãn phân chia lợi tức để hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc hỗ trợ vốn cho DNNVV kỳ vọng sẽ càng được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới khi mà Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DNNVV có hiệu lực từ 15/10/2021. Trong đó có quy định, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ được ngân sách nhà nước cấp bù 2%/năm lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các TCTD để thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh. Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với một phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn.
Tuy nhiên doanh nghiệp vay vốn phải được TCTD thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của TCTD. Trong khi theo các chuyên gia, hiện do quy mô nhỏ, trụ sở hoạt động chủ yếu là đi thuê nên phần nhiều các DNNVV đều thiếu tài sản đảm bảo. Thông tin tài chính kế toán của DNNVV cũng chưa theo chuẩn mực, chưa đảm bảo tính minh bạch; báo cáo tài chính của các DNNVV phần lớn không có kiểm toán, tính chính xác còn hạn chế, điều này dẫn đến những khó khăn trong việc thẩm định hồ sơ cho vay của các ngân hàng. Bản thân DNNVV cũng còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, do tài sản của doanh nghiệp có giá trị thấp, dòng tiền không dồi dào, lịch sử quan hệ tín dụng và xếp hạng tín dụng với ngân hàng chưa cao.
Bởi vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, cơ chế hỗ trợ vốn của các TCTD, yếu tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của bản thân DNNVV. “Vấn đề ở đây là DNNVV phải nâng tầm quản trị kinh doanh, năng lực, cấu trúc… Phải chuẩn bị trước tất cả để trình ra là ngân hàng chấp nhận. Đặc thù của ngân hàng là ngành kinh doanh tiền tệ chứ không phải gói hỗ trợ khác. Chẳng hạn, gói hỗ trợ là ốm thì mang tiền đến cho, còn với ngân hàng, doanh nghiệp muốn vay vốn thì phải thể hiện được “sức khỏe””, ông Nguyễn Văn Thân cho biết.
Theo đó, các DNNVV cần đánh giá lại chiến lược sản phẩm, marketing, nhân lực và đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các DNNVV cũng cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và các quy định về tài chính, kế toán, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, cung cấp thông tin báo cáo chính xác và kịp thời cho các TCTD khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó cần phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp TCTD yên tâm khi cấp tín dụng.