Để xử lý tài sản bảo đảm hiệu quả
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh, Nghị định này hết sức quan trọng đối với các TCTD vì liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ. Sau nhiều lần chỉnh sửa theo đóng góp ý kiến của các bên liên quan, đến nay Dự thảo Nghị định gần tiệm cận với thực tiễn hoạt động của các TCTD. Nhưng trong quá trình đối chiếu, vẫn còn một số nội dung cần giải quyết, tháo gỡ và đưa vào Dự thảo Nghị định cho phù hợp với mục đích đảm bảo an toàn cho các TCTD khi cho vay, đảm bảo quyền lợi cho cả 2 bên đưa tài sản vào để bảo đảm và bên nhận bảo đảm đúng với pháp luật dân sự.
Nội dung quan trọng được nhiều đại diện ngân hàng đề cập tới là các quy định yêu cầu TSBĐ phải đủ điều kiện để được chuyển nhượng. Đơn cử, tại Điều 17 Dự thảo quy định về quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, yêu cầu việc dùng tài sản này làm TSBĐ chỉ được thực hiện khi có đủ điều kiện để chuyển nhượng. Tương tự, quy định dự án đầu tư (Điều 18), phần vốn góp (Điều 16) chỉ được sử dụng làm TSBĐ khi không bị cấm hoặc hạn chế chuyển nhượng.
Hiện bất động sản vẫn là TSBĐ chủ yếu do các thanh khoản vay tại ngân hàng |
Theo đại diện pháp chế PVCombank, trong trường hợp này các TCTD rất khó để xác định TSBĐ có đủ điều kiện chuyển nhượng hay không. Chẳng hạn, đối với dự án đầu tư thì thẩm quyền cho phép chuyển nhượng thuộc về cơ quan cấp phép hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Thời điểm nhận thế chấp TSBĐ, ngân hàng không thể biết dự án có được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng hay không…
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho rằng, còn nhiều nội dung quan trọng tại Dự thảo Nghị định cần phải hướng dẫn bổ sung để tạo điều kiện cho các TCTD trong quá trình hoạt động. Đơn cử, vấn đề giao, thu giữ tài sản, xử lý TSBĐ. Theo quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự: Người đang giữ TSBĐ có nghĩa vụ giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Tuy nhiên trên thực tế việc thu giữ tài sản chiếm 1 vị trí quan trọng trong công tác xử lý TSBĐ. Nếu ngân hàng nhận thế chấp không thu giữ được tài sản thì việc xử lý được về mặt thủ tục pháp lý cũng chỉ là hình thức. Trong khi đó, tại thời điểm xử lý thì các trường hợp phổ biến là bên thế chấp sẽ chây ì, bất hợp tác và tìm đủ mọi lý do để không giao tài sản cho ngân hàng, dẫn đến việc xử lý tài sản của ngân hàng thời gian qua vô cùng khó khăn, mất rất nhiều thời gian và công sức.
Mặc dù những quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc cho các TCTD, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Nhưng, Nghị quyết 42 chỉ có hiệu lực trong 5 năm và áp dụng đối với những khoản nợ xấu trước ngày 15/8/2017 nên không bao quát được hết các khoản nợ. Trong khi đó tình hình nợ xấu của TCTD thời gian tới có khả năng tăng cao do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Do vậy vấn đề thu giữ tài sản cần phải đưa vào hướng dẫn tại nghị định này để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý TSBĐ của ngân hàng.
Một vấn đề khác được đại diện từ CLB Pháp chế ngân hàng kiến nghị là Dự thảo Nghị định nên bổ sung quy định về đại lý nhận, quản lý TSBĐ. Việc bổ sung quy định này là vô cùng cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay bởi Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Đáng chú ý, Dự thảo Nghị định đề cập đến loại TSBĐ là kho hàng, hàng hóa luân chuyển, hàng hóa trong kho nhưng chưa phân định rạch ròi thế nào là kho hàng, thế nào là hàng hóa luân chuyển, hàng hóa trong kho. Chẳng hạn, hàng hóa trong kho có phải là tất cả các loại hàng hóa hay chỉ là các hàng hóa thành phẩm? Hàng hóa luân chuyển là bao gồm các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm và hàng hóa thành phẩm… Nếu không làm rõ được các vấn đề này theo ông Long có thể dẫn đến khó khăn cho các TCTD khi thực hiện…
Mặc dù Dự thảo Nghị định đã được đóng dấu thẩm định và trình Văn phòng Chính phủ, nhưng theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng vẫn có thể điều chỉnh, bổ sung nếu còn có những nội dung chưa phù hợp, tránh vướng mắc khi triển khai. Do vậy, Tổng Thư ký đề nghị các TCTD tiếp tục có ý kiến cụ thể, chi tiết về đề xuất vướng mắc gửi về hiệp hội. Sau đó, Hiệp hội Ngân hàng sẽ góp ý với NHNN trong quá trình Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cho ý kiến.