Đề xuất hỗ trợ tối đa kinh phí xây dựng thương hiệu nông sản
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Các DN hiện nay vẫn thiếu kinh phí để tiếp tục đăng ký, duy trì bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản tại thị trường quốc tế. Ảnh - Tr. Chánh |
Theo đó, dự thảo Nghị định này đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến, thương mại nông sản nhằm đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, dự thảo Nghị định đề xuất, 4 chính sách hỗ trợ chính, bao gồm: hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản; hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản; và hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.
Đối với chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đề xuất đưa vào danh mục ưu tiên khuyến khích đầu tư đối với các mô hình sản xuất sản phẩm nông sản đạt nhãn hiệu nông sản Việt Nam; ưu tiên chi hỗ trợ kinh phí khoa học, khuyến nông; tín dụng, đất đai; các chính sách khác liên quan cho các mô hình này.
Đặc biệt, bổ sung thêm chính sách đặc thù cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình với quy định hỗ 100% kinh phí xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được phép sử dụng).
Đối với hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước, Bộ Nông nghiệp đề xuất mức hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ dưới hình thức đề xuất thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm.
Trong khi đó, đối với hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản, Ban soạn thảo Nghị định đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí gia hạn bảo hộ nhãn hiệu nông sản Việt Nam ở trong nước và nước ngoài; bố trí kinh phí các chương trình tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn, tuyên truyền, phổ biến...
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay, Chương trình Thương hiệu quốc gia giai đoạn 2020-2030 trong lĩnh vực nông nghiệp (thực hiện theo Quyết định số 1320/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã tổ chức được 9 kỳ xét duyệt.
Trong đó, riêng kỳ xét duyện năm 2024 có 360 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được xét chọn là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trên tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ trọng các sản phẩm nông sản trong tổng số sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia còn rất thấp. Trong số 190 doanh nghiệp từ các lĩnh vực đạt thương hiệu quốc gia năm 2024, chỉ có 26 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với 52 sản phẩm, chiếm khoảng 13,6 % tổng số doanh nghiệp và 14,4% tổng số sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay các chính sách pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập đối với việc đăng ký cho nông sản chủ lực quốc gia có gắn tên định danh “Việt Nam” khi cấp quyền sở hữu trí tuệ.
Tiêu biểu như trường hợp đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đứng tên chủ sở hữu; đã đăng ký bảo hộ trong nước và 19 quốc gia đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng thương hiệu này vì cần có uỷ quyền, phân cấp quản lý từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, nếu Bộ Nông nghiệp thực hiện ủy quyền thì sẽ vướng các quy định của Luật Quản lý tài sản công vì thương hiệu Gạo Việt Nam được xem là tài sản công theo các quy định của Luật này.