Đề xuất quy định mới về Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Bộ Tài chính đề xuất quy định mới về tổ chức hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam |
Bộ Tài chính cho biết, triển khai kết luận của Bộ Chính trị, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã có các chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của NHPT, trong đó có Nghị định về tổ chức và hoạt động của NHPT.
Về cơ sở thực tiễn, Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động của NHPT đã quy định các nội dung về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân; chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu nhà nước; mục tiêu, nguyên tắc hoạt động; vốn điều lệ; chức năng, nhiệm vụ; trách nhiệm, quyền hạn; cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT... Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, một số quy định hiện hành tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg chưa đảm bảo đồng bộ với quy định mới tại Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024) và chưa phù hợp với phương án cơ cấu lại NHPT giai đoạn 2023-2027 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, theo báo cáo của NHPT, qua quá trình triển khai Quyết định số 1515/QĐ-TTg tại NHPT thời gian qua đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc cần được tháo gỡ để phù hợp với tình hình thực tế (như quy định về chức năng, nhiệm vụ của NHPT; cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT...)
Do vậy, việc ban hành Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của NHPT nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai tổ chức và hoạt động của NHPT thời gian qua tại Quyết định số 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, góp phần thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại và định hướng hoạt động của NHPT giai đoạn 2023-2027 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Không quy định mức vốn điều lệ cụ thể của NHPT
Theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg, vốn điều lệ của NHPT là 30.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ đầu tư phát triển hoặc các nguồn khác theo quy định; việc thay đổi mức vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề nghị của NHPT và ý kiến của Bộ Tài chính, đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn của NHPT trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, theo phương án cơ cấu lại, định hướng hoạt động của NHPT giai đoạn 2023-2027 do Ban cán sự đảng Bộ Tài chính báo cáo Bộ Chính trị đã đề xuất giải pháp cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHPT theo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm, sau khi NHPT bù đắp hết lỗ lũy kế phát sinh (dự kiến sau năm 2027) mà không quy định mức vốn điều lệ cụ thể của NHPT.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chỉ quy định vốn điều lệ của ngân hàng chính sách do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác mà không quy định cụ thể mức vốn điều lệ.
Thực tế triển khai tại NHPT thời gian qua, tính đến cuối năm 2024, mức vốn điều lệ của NHPT mới đạt 15.086 tỷ đồng và dự kiến không cấp bổ sung vốn điều lệ trong giai đoạn cơ cấu lại 2023-2027.
Vì vậy, tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất nội dung về vốn điều lệ của NHPT theo hướng:
- Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của Chính phủ.
- Việc bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển.
Cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT
Quyết định số 1515/QĐ-TTg quy định cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT bao gồm: Hội đồng quản trị; Ban kiểm soát; Tổng giám đốc và bộ máy giúp việc.
Tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách bao gồm: Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cơ cấu quản trị khác theo quy định của Chính phủ; Hội đồng quản trị có bộ máy giúp việc; không quy định về bộ máy giúp việc cho Tổng giám đốc.
Do đó, để phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Bộ Tài chính đề xuất cơ cấu tổ chức quản lý của NHPT bao gồm: Hội đồng quản trị (có bộ máy giúp việc); Ban kiểm soát và Tổng giám đốc.