Hướng tới hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp, đúng nghĩa
Home Credit top 100 doanh nghiệp bền vững năm 2024 Vốn tín dụng xanh: Cần doanh nghiệp đi trước Kết nối tài chính giúp doanh nghiệp vươn tầm khát vọng |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hoà cho biết, trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tài chính toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng, nâng cao mức sống của người dân, và phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhóm giải pháp về “Tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính” được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược.
Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nguyễn Thị Hoà phát biểu khai mạc Hội thảo |
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, tài chính là lĩnh vực đặc thù, có tính phức tạp. Người tiêu dùng để tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính hiệu quả thông thường trải qua ba giai đoạn: được trang bị kiến thức tài chính; có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và hoạch định tài chính cá nhân. Trong đó, hoạch định tài chính cá nhân là bước phát triển cao nhất. Nếu thiếu kiến thức và kỹ năng tài chính phù hợp, việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn phát sinh rủi ro. Hoạch định tài chính không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ này mà còn tối ưu hóa lợi ích việc sử dụng các dịch vụ tài chính.
Toàn cảnh Hội thảo |
Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, hoạch định tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và quản lý cuộc sống tài chính của cá nhân, gia đình, gia tăng tích lũy tài sản, chủ động đối phó với rủi ro, bảo toàn và tăng trưởng tài sản ngay cả trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là gia tăng tiết kiệm hưu trí. Từ đó, hoạch định tài chính cũng đóng góp vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chênh lệch giàu nghèo và tăng cường an sinh xã hội. Thông qua hoạch định tài chính, định hướng người dân hướng đến các hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư…hiệu quả, an toàn và bền vững, từ đó góp phần ổn định và phát triển hệ thống tài chính quốc gia.
“Tài chính toàn diện và hoạch định tài chính cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ. Tài chính toàn diện mở ra cơ hội để mọi người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, trong đó, hoạch định tài chính cá nhân vừa là một dịch vụ tài chính, đồng thời, thông qua dịch vụ này, các sản phẩm dịch vụ tài chính riêng lẻ như tín dụng, đầu tư, tiết kiệm… được kết hợp trong một tổng thể để mang lạị lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng”, bà Hoà nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng trao đổi tại Hội thảo |
Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển và trở thành một ngành nghề chuyên môn cao. Theo thống kê của Hội đồng tiêu chuẩn hoạch định tài chính, đến năm 2024, đã có 28 quốc gia phát triển lực lượng chuyên gia hoạch định tài chính chuyên nghiệp được chứng nhận, trong đó có các quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia. Tại Việt Nam, hoạch định tài chính cá nhân vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển trong khi nhu cầu của người dân về tư vấn tài chính rất cao. Nhiều tổ chức tài chính đã triển khai dịch vụ “tư vấn tài chính cá nhân” nhưng chủ yếu tập trung vào giới thiệu sản phẩm tài riêng lẻ như bảo hiểm, tiết kiệm hay đầu tư, mà chưa hoàn toàn hướng tới phát triển dịch vụ hoạch định tài chính chuyên nghiệp, đúng nghĩa.
Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các TCTD, chuyên gia kinh tế đồng tình đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam. Đó là đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân qua hệ thống giáo dục chính thức và các chương trình truyền thông quốc gia, kết hợp với việc xây dựng thói quen lập kế hoạch tài chính dài hạn cho các cá nhân từ khi còn trẻ. Tập trung vào đối tượng là học sinh, sinh viên, và người lao động trẻ để hình thành tư duy tài chính bền vững ngay từ sớm, kết hợp với các công cụ công nghệ hỗ trợ cần thiết.
Các đại biểu tham gia thảo luận |
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng tư vấn tại các định chế tài chính, thúc đẩy các định chế tài chính tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự đủ năng lực để tư vấn, hoạch định tài chính cho khách hàng, hướng tới cung cấp dịch vụ tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân chuyên nghiệp, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tài chính, công ty công nghệ tài chính ứng dụng các công nghệ hiện đại, phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động, nền tảng trực tuyến, và công cụ tự động hóa giúp khách hàng quản lý, hoạch định tài chính cá nhân dễ dàng và hiệu quả hơn. Về phía các tổ chức hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực tài chính, cần ban hành các nguyên tắc, tiêu chuẩn hành nghề nhằm phát triển các thông lệ tốt nhất trong hoạt động tư vấn tài chính, đặc biệt chú trọng các nguyên tắc đạo đức của người tư vấn, tuân thủ các quy định của pháp luật và thông lệ, chuẩn mực hiện đại; lấy khách hàng làm trung tâm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tài chính. Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức tài chính và các trường đại học, các tổ chức đào tạo quốc tế để cung cấp chương trình đào tạo chuyên sâu về tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường…