Di dời ga đường sắt Đà Nẵng: Nút thắt được mở?
Sự cấp thiết của một dự án
Nhà ga đường sắt Đà Nẵng được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1902. Công trình đã qua nhiều lần sửa chữa và xây mới thêm hạng mục nên không còn dấu vết của lối kiến trúc xưa. Tuy nhiên, về công năng, nhà ga vẫn đáp ứng nhu cầu sử dụng, vận chuyển hành khách, hàng hóa với công suất phục vụ 1.500 lượt khách/ngày. Vào mùa cao điểm, nhà ga phục vụ trên 2.000 lượt khách/ngày.
Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, ga Đà Nẵng đã nằm lọt trong nội thành với diện tích 44 nghìn m2. Tuyến đường sắt cũng giao cắt với hơn 25 điểm giao đường bộ, gây trở ngại, tiềm ẩn ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, đồng thời không bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Trước yêu cầu và đòi hỏi phát triển đô thị của Đà Nẵng, việc di dời ga đường sắt này ra khỏi trung tâm thành phố đã trở thành cấp thiết.
Nhà ga đường sắt Đà Nẵng được xây dựng tròn 120 năm |
Dự án di dời ga Đà Nẵng đã được xây dựng kế hoạch từ năm 2004. Theo đó, sau khi di dời ra vị trí mới, nhà ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường tiện ích đô thị cho khu trung tâm.
Ga mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị xung quanh theo hướng tích hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường kết nối đường sắt với khu công nghiệp, cao tốc, cảng biển, đặc biệt là kết nối với trung tâm thành phố bằng phương thức vận tải công cộng.
Hợp phần tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng với tổng kinh phí khoảng 2.350 tỷ đồng. Hiện nay, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua TP. Đà Nẵng dài khoảng 40,3 km, khổ 1.000 mm, hai bên tuyến là các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường không đảm bảo… Hành lang đường sắt cũ sẽ được tận dụng tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam và trung tâm thành phố đến khu vực Tây Bắc.
Tháng 7/2004, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt mặt bằng quy hoạch dự án ga đường sắt mới tại quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, dự án đã “treo” 18 năm nay, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
Nguyện vọng của người dân trong vùng dự án là mong muốn thành phố xem xét về quy hoạch, có hướng giải quyết vấn đề an sinh cho nhân dân, nhất là các nhu cầu giấy tờ pháp lý về đất đai, nhà cửa, đường sá, môi trường, xử lý nước thải...
Nút thắt đã được mở?
Tại một hội nghị tiếp xúc cử tri do Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng là cần thiết và phù hợp với quy hoạch của TP. Đà Nẵng đã được Chính phủ phê duyệt. Nguồn vốn để thực hiện dự án lớn nhưng điều kiện ngân sách hạn hẹp nên 18 năm qua, việc di dời vẫn chưa thực hiện được. Những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, đặc biệt là tìm kiếm nhà đầu tư tồn tại từ nhiều năm nay. Thành phố đã kêu gọi nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm dự án vì họ nhìn thấy rất nhiều khó khăn.
Trong một văn bản trả lời cử tri TP. Đà Nẵng, Bộ Giao thông - Vận tải thông tin đã phối hợp UBND TP. Đà Nẵng trình Thủ tướng về chủ trương, phương án thực hiện và nguồn vốn đầu tư dự án di dời ga đường sắt nhằm sớm triển khai dự án, giảm thiểu khó khăn cho người dân sống trong khu vực đất thuộc diện quy hoạch.
Tuy nhiên, dự án chỉ được triển khai khi chính quyền Đà Nẵng tìm được nhà đầu tư. Dự án thực hiện theo hình thức xã hội hoá. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Đà Nẵng xem xét, báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến chỉ đạo, khi có nhà đầu tư quan tâm.
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã chủ trì họp với các sở, ngành liên quan, thống nhất đề xuất lãnh đạo thành phố thực hiện theo hình thức BT. Mục tiêu chung của dự án là giúp thành phố phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền vững thông qua việc di dời ga đường sắt và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm.
Theo phương án của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, tiểu dự án 1 di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị có tổng kinh phí tạm tính hơn 10,2 nghìn tỷ đồng. Tiểu dự án này được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, hai bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố (theo Nghị định 69/NĐ-CP). Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của thành phố.
Mới đây, trả lời chất vấn tại Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng, Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Phú Phong cho biết theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vị trí ga đường sắt mới tại khu vực phía bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường cao tốc thuộc huyện Hòa Vang.
Vị trí quy hoạch ga đường sắt “treo” 18 năm qua sẽ được tái thiết lại theo hướng xây dựng một trung tâm thương mại, dịch vụ lớn gắn với tuyến đường huyết mạch nối Đông - Tây (đường Nguyễn Sinh Sắc nối dài).
Hiện nay, một số nhà đầu tư đang quan tâm đến việc tái thiết khu vực này theo định hướng Đồ án quy hoạch chung thành phố. UBND thành phố đã giao các ban quản lý triển khai đồ án quy hoạch phân khu tại khu vực này, trên tinh thần tiếp thu các ý tưởng để tái thiết khu vực này trở nên hiện đại, khang trang, kết nối hạ tầng giao thông khu vực, dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2022. Sau khi quy hoạch phân khu được phê duyệt sẽ có cơ sở để xác định dự án, kêu gọi đầu tư.