Dịch vụ tài chính cá nhân khép kín
Thấu hiểu khách hàng
Hiện, nhiều ngân hàng đang cung cấp các sản phẩm tài chính trọn gói như được “đo ni đóng giày” phù hợp với từng nhóm khách hàng.
Chẳng hạn, Techcombank vừa ra mắt Techcombank Aspire, sản phẩm tài chính dành cho nhóm khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu, nằm trong độ tuổi 20-40 tuổi. Sản phẩm mà ngân hàng này mang ra chào sân để thu hút khách hàng mục tiêu không quá mới mẻ, như mở tài khoản số đẹp miễn phí, lựa chọn thẻ thanh toán thiết kế riêng, ưu đãi mua bảo hiểm, mua nhà, tư vấn đầu tư quỹ, trái phiếu… Tuy nhiên ở sản phẩm này, Techcombank tạo điểm nhấn ở việc tối ưu hóa trải nghiệm và tối đa hóa giá trị cho khách hàng.
Cụ thể, khách hàng tham gia chương trình sẽ được lực lượng tư vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp của ngân hàng cùng đồng hành và giải quyết bài toán tài chính đối với bất kỳ nhu cầu nào và ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống.
Ông Darren Buckley - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank chia sẻ, nhóm khách hàng mục tiêu mà ngân hàng hướng tới có thể có những đích đến riêng, song nhìn chung cuộc sống của họ đều trải qua những cột mốc hay khoảng thời gian quan trọng.
“Chẳng hạn, khách hàng của chúng tôi muốn đi du lịch, hay muốn làm đám cưới, thậm chí người đó đang có một công việc nhưng lại muốn kết thúc để bắt đầu tự kinh doanh. Dù là bất cứ nhu cầu nào thì chúng tôi cũng sẵn sàng hiện diện để giải quyết bài toán tài chính cho nhu cầu đó”, ông Darren Buckley nhấn mạnh.
Ảnh minh họa |
Trước đó, VPBank cho ra mắt sản phẩm tài chính dành riêng cho thế hệ sống bứt phá, với tên gọi VPBank Prime, sau khi ngân hàng hợp tác với công ty nghiên cứu thị trường để tìm hiểu, phân tích các nhu cầu cụ thể của nhóm khách hàng mục tiêu.
Theo đó, sản phẩm được cung cấp không phải là từng dịch vụ tài chính đơn lẻ mà là sự kết hợp giữa nhiều dịch vụ khác nhau tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, như mở tài khoản số đẹp, gửi tiết kiệm, vay mua nhà, mua ô tô…
Hay như VIB vừa ra mắt đồng thời App mới và chuyên gia tài chính ảo Vie, với kỳ vọng trở thành trợ lý tài chính hỗ trợ người dùng giải quyết bài toán phân phối thu nhập một cách hiệu quả nhất.
KienlongBank cũng cung cấp sản phẩm đầu tư cá nhân trọn gói như đầu tư chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm, tích hợp trên cùng một app…
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, ngày càng nhiều ngân hàng phát triển sản phẩm bán lẻ theo hướng cung cấp các dịch vụ tài chính theo gói và được tối ưu hóa trên nền tảng công nghệ, giúp hành trình trải nghiệm của khách hàng được số hóa trọn vẹn từ đầu đến cuối.
Nếu như khoảng 3-5 năm trước đây, hoạt động của ngân hàng Việt đứng trước nguy cơ bị lấn át trước mô hình hiện đại của các công ty fintech, thì thực tế đã cho thấy ngân hàng vẫn không bị mất vị thế khi tăng cường số hóa các dịch vụ tài chính. Ngân hàng đã bước vào cuộc sống của chính người dùng, phân tích hành vi, nhu cầu của khách hàng để đưa ra dòng sản phẩm phù hợp nhất.
Dư địa phát triển còn nhiều
Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một NHTM chia sẻ, động lực thúc đẩy ngân hàng này tăng cường số hoá cũng xuất phát từ chính hiểu biết về đặc tính của lực lượng khách hàng tiềm năng.Theo vị này, nhóm khách hàng trung lưu trong độ tuổi 20-40 rất năng động, đa nhiệm, khát vọng hơn rất nhiều so với các thế hệ trước.
“Tuy rất chủ động về lối sống song họ lại khá bị động trong quản lý tài chính, đôi khi loay hoay trong câu chuyện chi tiêu, đầu tư và tích lũy cho tương lai. Vì vậy, chúng tôi cần số hóa để hiểu sâu sắc về các nhu cầu và khả năng tài chính của họ”, vị này cho biết thêm.
PGS. TS. Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM đánh giá, chuyển đổi số của ngân hàng đang diễn ra trên 3 phương thức: Giai đoạn 1, các ngân hàng thích ứng với phương thức cạnh tranh mới thông qua phát triển các kênh kỹ thuật số, đưa ra một số sản phẩm số và số hoá giao diện; Giai đoạn 2, các ngân hàng thích ứng với công nghệ, nâng cao và cải thiện nền tảng công nghệ, chuyển đổi số module và linh hoạt cung cấp sản phẩm; Giai đoạn 3, thực hiện chiến lược định vị, trong đó một số ngân hàng đi đầu trong giai đoạn 2 sẽ cố gắng nỗ lực để sự đầu tư lớn tạo ra vị thế cạnh tranh, cấu trúc toàn diện để ngân hàng của mình có tính chất số.
Theo ông Khánh, hiện nay chỉ có một số ít ngân hàng có lợi thế về quy mô đầu tư thích ứng về công nghệ, chuyển đổi số ở giai đoạn 2, còn lại hầu hết đang ở giai đoạn 1 dựa trên ứng dụng của ngân hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu nằm ở khối ngân hàng bán lẻ với ứng dụng Mobile Banking hoặc web banking.
Trên thị trường cũng đang có sự phân hoá quy mô, trong đó các ngân hàng quy mô nhỏ dựa trên các nhà cung cấp công nghệ thông tin bên ngoài vì thiếu năng lực vốn, công nghệ, nhân sự. Trong cuộc chạy đua này, ngân hàng có lợi thế công nghệ sẽ dễ dàng đi trước và sớm thu hút được các nhóm khách hàng tiềm năng, có điều kiện, có nhu cầu thực sự.
Tuy nhiên, dư địa của thị trường còn rất lớn, với nhu cầu tiếp cận sản phẩm quản lý tài chính cá nhân ngày càng gia tăng. Vì vậy, các chuyên gia dự báo chỉ trong khoảng 2-3 năm nữa, hầu hết ngân hàng ở mọi quy mô sẽ bước vào giai đoạn tập trung phân tích dữ liệu lớn, xây dựng các sản phẩm dịch vụ phù hợp với từng đối tượng khách hàng rất cụ thể. Như vậy, khách hàng sẽ dễ dàng lựa chọn sản phẩm và dịch vụ vào bất cứ khi nào họ có nhu cầu.