Điểm lại thông tin kinh tế ngày 29/9
Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 29/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.220 VND/USD, giảm trở lại 06 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được duy trì niêm yết ở mức 23.175 VND/USD; tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.867 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá của NHNN. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên giao dịch ở mức 23.186 VND/USD, giảm tiếp 03 đồng so với phiên 28/09. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.200 - 23.250 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 29/09, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,16%; 1W 0,21%; 2W 0,27% và 1M 0,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 0,17%; 1W 0,22%; 2W 0,29%, 1M 0,39%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 0,67%; 5Y 1,33%; 7Y 1,69%; 10Y 2,78%; 15Y 2,98%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN vẫn chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường chịu áp lực bán dâng cao ở nhiều cổ phiếu lớn, đặc biệt trong phiên chiều, khiến các chỉ số đảo chiều giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,52 điểm (-0,93%) xuống 903,98 điểm; HNX-Index giảm 1,38 điểm (-1,04%) xuống 131,74 điểm; UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,42%) xuống 61,52 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 9.700 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 640 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong phiên hôm qua.
Theo Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%). Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%. GDP quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt; giá gạo trong nước. CPI tháng 9/2020 tăng 0,01% so với tháng 12/2019 và tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2019. CPI bình quân 9 tháng năm 2020 tăng 3,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Tin quốc tế:
Hãng Conference Board cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại nước Mỹ tăng lên mức 101,8 điểm trong tháng 9 từ mức 86,3 điểm của tháng 8, vượt xa so với mức 81,8 điểm theo kỳ vọng của các chuyên gia. Các nhà phân tích trên thị trường cũng cho rằng chỉ số niềm tin tiêu dùng cao không hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, do tình huống này có thể giảm sức ép lên các quan chức Mỹ về kế hoạch đưa ra gói cứu trợ kinh tế tiếp theo.
Trong một bài phát biểu hôm qua, Thống đốc NHTW Anh BOE Andrew Bailey cho biết BOE hiểu rất rõ thực tế về những thách thức mà LSCS âm sẽ tạo ra cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên ông cũng nhắc lại rằng sẽ không loại trừ chính sách này khỏi những cách có thể hỗ trợ nền kinh tế nước Anh. Vị Thống đốc nhận định nền kinh tế quốc nội hiện nay đang tiến triển tốt hơn một chút so với những gì BOE đã nghĩ ở tháng trước, nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy sự hồi phục sẽ không còn mạnh mẽ như thế trong tương lai. Ông dự báo GDP nước Anh trong quý 3 đang thấp hơn so với trước khi xảy ra đại dịch từ 7% đến 10%, tức là đã phục hồi rất mạnh mẽ so với những gì diễn ra ở quý 2.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết CPI sơ bộ của nước này giảm 0,2% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 0,1% của tháng trước đó và đồng thời sâu hơn mức giảm 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm trước, CPI của nước Đức đã giảm 0,4%.
Tỷ giá ngày 29/09: USD = 0.852 EUR (-0.67% d/d); EUR = 1.174 USD (0.67% d/d); USD = 0.778 GBP (-0.27% d/d); GBP = 1.286 USD (0.27% d/d).