Điểm lại thông tin kinh tế tuần 13/06 - 17/06/2022
Kinh tế, thương mại tiếp tục ghi nhận kết quả đáng khích lệ | |
Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi |
Tổng quan:
Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa cả nước 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 306 tỷ USD, hứa hẹn cả năm cán ngưỡng mục tiêu 700 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước trong tháng 5/2022 ước đạt 63,53 tỷ USD, giảm 3,4%, tương ứng giảm 2,25 tỷ USD so với tháng trước đó. Trong đó, trị giá XK là 30,92 tỷ USD, giảm 7,2% (tương ứng giảm gần 2,4 tỷ USD) và trị giá NK là 32,61 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 148 triệu USD).
Trong 5 tháng năm 2022, tổng trị giá XNK hàng hoá của Việt Nam đạt 306,14 tỷ USD, tăng 16% tương ứng tăng 42,19 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 153,29 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 21,93 tỷ USD); trị giá nhập khẩu đạt 152,86 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 20,26 tỷ USD), trong đó tăng cao ở nhóm hàng cần nhập khẩu là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu (tăng 16,5%), trong khi nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ tăng 4,4%.
Như vậy, trong tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu gần 1,7 tỷ USD; lũy kế 5 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước xuất siêu 434 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 1,24 tỷ USD). Một dấu hiệu đáng mừng là XK khu vực kinh tế trong nước 5 tháng qua tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 21,3% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 15,1%) cho thấy sự phục hồi trở lại của khu vực các doanh nghiệp trong nước. Một số nhóm hàng do các doanh nghiệp FDI sản xuất (Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronics) giảm sản lượng sản xuất và xuất khẩu do nhu cầu thị trường suy giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong tháng 5 của cả nước.
Theo các chuyên gia, mặc dù xuất khẩu vẫn đang phục hồi tích cực, nhưng các yếu tố gây bất lợi tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa giảm bớt. Đó là, thương mại toàn cầu đang phục hồi chậm do tác động của chiến sự Nga - Ukraine cùng tình hình dịch bệnh bùng phát và chủ trương "Zero Covid" tại Trung Quốc, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; chậm trễ trong giao nhận hàng hóa; giá xăng dầu và các loại hàng hóa đầu vào vẫn ở mức cao cùng mức tăng với chi phí vận chuyển gây khó khăn cho hoạt động XNK.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, trong thời gian tới, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Đa dạng hóa thị trường cũng là khuyến cáo của các chuyên gia WB ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu, bởi với việc phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng tới.
Bộ Công thương ước tính, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cả năm đạt 8% (như mục tiêu mà Bộ Công thương đặt ra), thì kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 363 tỷ USD. Trường hợp nhập khẩu cũng có tốc độ tăng tương đương xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 359 tỷ USD và xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Theo đó, năm 2022 sẽ là năm thứ 8 liên tục xuất siêu với tổng kim ngạch XNK ước đạt tới hơn 720 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Tóm lược thị trường trong nước từ 13/06 - 17/06
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 13/06 - 17/06, tỷ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều chỉnh tăng - giảm nhẹ. Phiên cuối tuần 17/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.089 VND/USD, tăng 34 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.250 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng (LNH) cũng ít biến động trong tuần qua. Chốt tuần 17/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.239 VND/USD, tăng 58 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 17/06, tỷ giá tự do tăng 130 đồng ở chiều mua vào và 140 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.900 VND/USD và 23.940 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 13/06 - 17/06, lãi suất VND LNH biến động tăng giảm luân phiên với biên độ hẹp. Chốt ngày 17/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,39% (-0,05 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 1,07% (-0,05 đpt); 2W 1,50 (-0,02 đpt); 1M 2,15% (+0,13 đpt).
Lãi suất USD LNH tăng mạnh trong tuần vừa qua. Chốt tuần 17/06, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 1,59% (+0,69 đpt); 1W 1,73% (+0,69 đpt); 2W 1,81% (+0,65 đpt) và 1M 1,92% (+0,67 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 13/06 - 17/06, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 832,86 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 556,05 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 276,81 tỷ VND ra thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 1.853,2 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Ngày 13/06, NHCSXH gọi thầu 3.000 tỷ đồng trái phiếu được chính phủ bảo lãnh (TPCPBL) ở các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm. Cụ thể, kỳ hạn 3 năm gọi thầu 1.500 tỷ đồng, các kỳ hạn từ 5 đến 15 năm gọi thầu 500 tỷ đồng/mỗi kỳ hạn. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Kể từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã huy động thành công 2.700 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 15/06, KBNN huy động thành công 3.065/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 68%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.565/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,43%/năm (+0,06%), kỳ hạn 15 năm tại 2,73%/năm (+0,06%).
Trong tuần vừa qua từ 13 - 17/06 có 200 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 20 - 24/06 sẽ có 500 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 20/06, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 22/06, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.425 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 8.398 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng khá mạnh ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 17/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,71% (-0,04 đpt); 2 năm 2,07% (+0,09 đpt); 3 năm 2,15% (+0,11 đpt); 5 năm 2,38% (+0đpt); 7 năm 3,04% (+0,11 đpt); 10 năm 3,3% (+0,15 đpt); 15 năm 3,49% (+0,16 đpt); 30 năm 3,57% (+0,13 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 13/06 - 17/06, thị trường chứng khoán Việt Nam gặp các phiên điều chỉnh mạnh, xuống kiểm nghiệm lại ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 17/06, VN-Index đứng ở mức 1.217,30 điểm, tương ứng giảm mạnh 66,78 điểm (-5,20%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 26,34 điểm (-8,61%) còn 280,06 điểm; UPCom-Index mất 6,62 điểm (-7,06%) xuống 87,10 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình hơn 17.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng nhẹ 21,45 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Một số NHTW lớn như Fed, BOE, BOJ có các quyết định quan trọng trong tuần vừa qua. Đầu tiên, về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, cơ quan này ngày 15/06 quyết định tăng lãi suất cơ sở (LSCS) 75 điểm cơ bản, từ mức 0,75% - 1,0% lên mức 1,50% - 1,75%, vượt qua mức tăng 50 đcb theo dự báo của thị trường. Đây là mức tăng LSCS cao nhất của cơ quan này kể từ năm 1994. Fed nhận định lạm phát đang ở mức cao, cam kết mạnh mẽ sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0%.
Biểu đồ dot-plot của Fed cho thấy có khả năng LSCS sẽ tiếp tục tăng lên tới mức 3,25-3,5% trong năm 2022, sau đó tiếp tục lên 3,75% - 4,0% năm 2023, thay đổi rất nhiều so với dot-plot của tháng 03/2022 (1,5% - 1,75% cho năm 2022 và 2,50% - 2,75% cho năm 2023).
Tiếp theo, ngày 16/06, NHTW Anh BOE quyết định tăng LSCS 25 điểm, từ mức 1,0% lên 1,25% với tỷ lệ bỏ phiếu 6 phiếu thuận và 3 phiếu chống (3 thành viên cho rằng cần tăng LSCS 50 điểm). Mức tăng này khớp với dự báo của thị trường. Cũng giống như Fed, BOE cam kết sẽ có những hành động nếu cần thiết, để lạm phát trở về ổn định ở mức mục tiêu 2,0% trong trung hạn.
Cuối cùng, ngày 17/06, NHTW Nhật Bản BOJ giữ nguyên LSCS ở mức -0,1%. BOJ cho biết, lạm phát tại Nhật Bản đang tăng lên trong ngắn hạn, ở quanh mức 2,0%. BOJ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng định tính và định lượng, miễn sao những chính sách này còn cần thiết để ổn định lạm phát quanh ngưỡng mục tiêu 2,0%.
Như vậy, trong suốt những ngày đầu tháng 06/2022, có thể thấy các NHTW lớn đã hành động quyết liệt chống lạm phát, song cũng có những NHTW duy trì CSTT nới lỏng, tùy thuộc vào bối cảnh riêng của từng nền kinh tế.
Nước Mỹ ghi nhận một số thông tin kinh tế đáng chú ý, đa phần tương đối tiêu cực. Đầu tiên, Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi của nước Mỹ lần lượt tăng 0,8% và 0,5% m/m trong tháng 5, cùng cao hơn mức 0,5% và 0,4% của tháng 4, gần khớp với dự báo tăng 0,8% và 0,6%.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2021, PPI toàn phần và PPI lõi tại Mỹ lần lượt tăng 10,8% và 6,8%. Ở lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi tại Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng 5, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó nhưng thấp hơn mức tăng 0,7% theo dự báo. Doanh số bán lẻ toàn phần tại nước này giảm nhẹ 0,3% m/m trong tháng 5 sau khi tăng 0,7% ở tháng 4, trái với mức tăng 0,1% theo kỳ vọng. So với cùng kỳ năm 2021, doanh số bán lẻ toàn phần tại Mỹ tăng khoảng 8,1%.
Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần kết thúc ngày 11/06 ở mức 229 nghìn đơn, giảm nhẹ từ 232 nghìn đơn của tuần trước đó nhưng không tích cực như mức 215 nghìn đơn theo dự báo.