Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/7
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-8/7 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 27/6-1/7 |
Tổng quan
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt Ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất chính sách để đối phó với lạm phát cao kỷ lục và có vẻ vẫn đang khó giảm về mức mục tiêu trong ngắn hạn.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới WB, lạm phát toàn cầu tính đến quý II/2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008, khi đó, lạm phát lên tới 9,2%.
Thực tế ở tất cả các quốc gia đặt mục tiêu lạm phát, nghĩa là tại gần 90% các nền kinh tế đang phát triển và tất cả các nền kinh tế phát triển, lạm phát thực tế đều đã cao hơn mục tiêu. Trong đó, tính đến tháng 6/2022, chỉ số giá tiêu dùng CPI tại nước Anh tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; CPI tại Mỹ tăng 9,1%, Eurozone tăng 8,6%, Áo tăng 8,5%, Italy tăng 8,0%...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF xác định 5 nguyên nhân chính của sự gia tăng lạm phát hiện nay: (i) Tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, nhu cầu phục hồi nhanh chóng sau đại dịch; (ii) Sự dịch chuyển nhu cầu từ dịch vụ sang hàng hóa: chi tiêu cho hàng hóa đã tăng đáng kể do đại dịch, và một phần hiệu ứng này có thể kéo dài do những thay đổi trong xã hội - ví dụ, sự thay đổi hình thức làm việc theo hướng làm việc từ xa; (iii) Mở rộng tài khóa: khoảng 16,9 nghìn tỷ USD đã được phân bổ để chống lại đại dịch trên khắp thế giới (hầu hết trong số đó là ở các nền kinh tế phát triển); (iv) Thiếu hụt lao động: sự tham gia của lực lượng lao động ở một số quốc gia vẫn còn dưới mức trước đại dịch; (v) Xung đột quân sự ở Ukraine dẫn đến những cú sốc về nguồn cung trên thị trường năng lượng và thực phẩm: Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu lớn tại các thị trường này. Tất cả các yếu tố này tạo ra rủi ro đáng kể là lạm phát sẽ tiếp tục tăng và kéo dài hơn dự báo hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Các chuyên gia cũng chỉ ra 3 yếu tố cho thấy các nước giàu khó có thể sớm trở lại mức lạm phát thấp trước đại dịch. Đó là sức ép tăng lương, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng và kỳ vọng lạm phát của doanh nghiệp tăng. Người lao động mặc cả để được trả lương cao hơn khi lạm phát tăng cao.
Điều này có thể tạo ra một đợt tăng giá khác, khi các công ty cộng thêm các chi phí này vào giá hàng hóa, dịch vụ. Thứ hai, tăng trưởng tiền lương nhanh hơn một phần phản ánh dự báo của người tiêu dùng đối với lạm phát trong tương lai. Yếu tố thứ ba liên quan đến dự báo của doanh nghiệp.
Đơn cử, kỳ vọng lạm phát của các nhà bán lẻ đang ở mức kỷ lục tại một phần ba quốc gia châu Âu. Về dự báo lạm phát, trong dự báo mới nhất của mình, Fed dự kiến lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ giảm từ 5,2% cuối năm nay xuống 2,6% cuối năm tới. Tuần trước, NHTW Anh BOE cho biết lạm phát có thể duy trì trên 9% trong vài tháng tới, trước khi chạm đỉnh trên 11% trong tháng 10. Chính phủ Đức dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2022 sẽ ở mức 6,1%, do giá dầu, than và khí đốt tăng mạnh dẫn đến giá tiêu dùng tăng cao, tỷ lệ lạm phát sẽ giảm về gần mức bình thường trong năm tới…
Để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, nhiều NHTW đã lần lượt chuyển từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong đại dịch Covid-19 sang chính sách thắt chặt thông qua tăng lãi suất chính sách và dừng các chương trình mua trái phiếu. Theo thông báo của IMF, có tới trên 70 NHTW đã điều chỉnh CSTT. Điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã tăng LSCS từ mức gần 0% lên mức 1,5 - 1,75%, và được kỳ vọng sẽ tăng tiếp lên mức từ 2,25 – 2,5% trong cuộc họp diễn ra vào giữa tuần này.
Trong bốn cuộc họp còn lại trong năm nay, Fed dự kiến nâng lãi suất lên mức từ 3,25% - 3,5%, cao hơn nhiều so với dự kiến trước đó. Fed khẳng định mạnh mẽ lập trường sẽ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2,0% và mức tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động có thể sẽ bị kìm hãm trong ngắn hạn.
Cuối tuần vừa qua, NHTW Châu Âu ECB cũng đã bất ngờ tăng 50 điểm cơ bản đối với tất cả các loại LSCS của cơ quan này. Theo đó, LS tái cấp vốn tăng từ 0,0% lên 0,50%; LS cho vay cận biên tăng từ 0,25% lên 0,75% và LS tiền gửi tăng từ -0,5% lên 0,0%. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB kể từ năm 2011. Trước đó, NHTW Anh BOE là NHTW lớn đầu tiên bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 12/2021 và liên tục tăng lãi suất kể từ đó từ mức 0,1% lên đến mức 1,25% hiện nay.
Việc hàng loạt NHTW trên thế giới cùng nâng lãi suất sẽ gây ra nhiều tác động tới kinh tế và thị trường tài chính thế giới. Thứ nhất, thị trường có nguy cơ rối loạn hơn khi thời đại của lãi suất thấp kết thúc. Các quốc gia và công ty sẽ phải cố gắng điều chỉnh để thích nghi với việc dòng vốn chuyển hướng, sự thay đổi của dòng vốn sẽ ảnh hưởng đến khả năng các quốc gia và doanh nghiệp bán được trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn.
Còn với thị trường tài chính, khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu và các tài sản khác có thể giảm trong dài hạn. Vì người gửi tiết kiệm có thể nhận được tiền lời cao hơn cho các khoản đầu tư ít rủi ro hơn như TPCP. Thứ ba, một số quốc gia có thể rơi vào suy thoái kinh tế khi người tiêu dùng và các công ty giảm chi tiêu. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu tháng 6, WB dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại mạnh trong năm nay nhưng vẫn ở mức tích cực. Tuy nhiên, WB cảnh báo vẫn có nguy cơ đáng kể về tình trạng tăng trưởng đình trệ và lạm phát vẫn ở mức cao.
Tóm lược thị trường trong nước từ 18/07 - 22/07
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 18/07 - 22/07, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng phiên đầu tuần, các phiên còn lại điều chỉnh giảm. Chốt tuần 22/07, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.212 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán giao ngay được NHNN niêm yết ở mức 23.400 VND/USD trong cả tuần.
Tỷ giá LNH liên tục giảm ở tất cả các phiên trong tuần qua. Chốt tuần 22/07, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.405 VND/USD, giảm 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng – giảm mạnh trong tuần qua, tuy nhiên, chốt phiên 22/07 chỉ giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.320 VND/USD và 24.370 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 18/07 - 22/07, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn qua các phiên. Chốt ngày 22/07, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 2,57% (+1,75 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,68% (+1,36 đpt); 2W 2,77% (+1,13 đpt); 1M 2,77% (+0,79%).
Lãi suất USD LNH tăng nhẹ qua các phiên trong tuần vừa qua. Chốt tuần 22/07, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 1,72% (+0,04 đpt); 1W 1,85% (+0,06 đpt); 2W 1,98% (+0,07 đpt) và 1M 2,27% (+0,24 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 18/07 - 22/07, NHNN chào thầu trên kênh cầm cố ở mức 5.000 tỷ đồng/phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 6.259,9 tỷ đồng trúng, trong tuần có 793,28 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 56 ngày. Có 24.124,8 tỷ đồng trúng thầu, có 78.049,6 tỷ đồng tín phiếu đến hạn trong tuần.
Như vậy, NHNN bơm ròng 59.391,42 tỷ VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 7.421,22 tỷ VND, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành là 123.304 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 18/07, NHCSXH gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, phiên đấu thầu thất bại. Lũy kế từ đầu năm, NHCSXH huy động thành công 5.000 tỷ đồng TPCPBL. Ngày 20/07, KBNN huy động thành công 4.700/5.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 85%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động thành công toàn bộ 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.700/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 10 năm 2,55% (+0,02%) và 15 năm 2,83% (+0,05%).
Trong tuần vừa qua từ 18/07 - 22/07 có 4.036 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Trong tuần này từ 25/07 - 29/07 có 400 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 25/07, NHCSXH dự kiến gọi thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL các kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 27/07, KBNN dự kiến gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.724 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh từ mức 4.457 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 22/07, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2% (+0,16 đpt); 2 năm 2,62% (+0,36 đpt); 3 năm 2,70% (+0,32 đpt); 5 năm 2,70% (+0,26đpt); 7 năm 3,09% (+0,06 đpt); 10 năm 3,3% (+0,03 đpt); 15 năm 3,55% (+0,05 đpt); 30 năm 3,66% (+0,05 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 18/07 - 22/07, thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối tích cực khi cả 3 chỉ số kết thúc tuần trên mốc tham chiếu. Chốt phiên giao dịch cuối tuần 22/07, VN-Index đứng ở mức 1.194,76 điểm, tăng 12,59 điểm (+1,06%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index cộng 4,08 điểm (+1,43%) đạt 288,83 điểm; UPCom-Index tăng 1,65 điểm (+1,89%) lên 88,84 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với tuần trước đó với giá trị giao dịch trung bình gần 13.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 640 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
NHTW Châu Âu ECB và NHTW Nhật Bản BOJ đều có các phiên họp CSTT trong tuần vừa qua. ECB muốn kiểm soát lạm phát đang quá cao, trong khi BOJ vẫn giữ CSTT nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuần qua, ngày 21/07, ECB đã tăng 50 điểm cơ bản đối với tất cả các loại LSCS của cơ quan này. LS tái cấp vốn tăng từ 0,0% lên 0,50%; LS cho vay cận biên tăng từ 0,25% lên 0,75% và LS tiền gửi tăng từ -0,5% lên 0,0%.
Thời gian bắt đầu áp dụng LS mới là từ 27/07. Trước đó, trong cuộc họp tháng 6, ECB cho biết sẽ chỉ nâng lãi suất từ từ và nhiều khả năng nhất chỉ nâng 25 điểm cơ bản vào tháng 7 này. ECB khẳng định sẵn sàng điều chỉnh tất cả các công cụ để đảm bảo lạm phát ổn định ở mức mục tiêu 2% trong trung hạn. Cũng trong ngày 21/07 tại Nhật Bản, BOJ dự báo lạm phát cho năm tài khóa 2022 (kết thúc tháng 03/2023) ở mức 2,3%; tăng 0,4 đpt so với dự báo trong tháng 4.
Ở chiều ngược lại, BOJ hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản trong năm tài khóa 2022 xuống còn 2,4%; giảm 0,5 đpt. Theo đó, cơ quan này duy trì LSCS ở mức -0,1%; không thay đổi so với trước. Thậm chí, BOJ cho biết sẽ không ngần ngại thực hiện nhiều hơn các giải pháp nới lỏng nếu cần thiết. Như vậy, BOJ với bối cảnh đặc biệt, là một trong số ít những NHTW có thể duy trì CSTT nới lỏng ở thời điểm hiện tại. Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ có cuộc họp diễn ra 2 ngày 26-27/07. Kết quả cuộc họp của Fed sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 28/07 theo giờ Việt Nam. LSCS của Fed được phần lớn chuyên gia dự báo sẽ tăng 75 điểm cơ bản, lên mức 2,25% - 2,50%.
Nước Mỹ ghi nhận nhiều thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, ở lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại nước này lần lượt đạt 1,69 triệu đơn và 1,57 triệu căn trong tháng 6, chỉ giảm nhẹ so với mức 1,70 triệu đơn và 1,59 triệu căn của tháng 5, tương đối tích cực so với dự báo ở mức 1,64 triệu đơn và 1,57 triệu căn.
Tiếp theo, tại thị trường bất động sản, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ chỉ đạt 5,12 triệu căn trong tháng 6, thấp hơn mức 5,41 triệu căn của tháng 5 và đồng thời thấp hơn mức 5,37 triệu căn theo dự báo. Đây là tháng doanh số suy giảm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Ở lĩnh vực sản xuất, chỉ số PMI do IHS Markit khảo sát chỉ đạt 47,0 điểm trong tháng 7, giảm mạnh từ 52,7 điểm của tháng 6 và đồng thời thấp hơn mức 52,6 điểm theo kỳ vọng. PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 52,3 điểm trong tháng này, giảm nhẹ từ 52,7 của tháng 6, tích cực hơn một chút so với mức 52,0 điểm theo dự báo. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 16/07 của Mỹ ở mức 251 nghìn đơn, tăng từ 244 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo giảm còn 240 nghìn đơn. Đây là lần đầu tiên số đơn vượt qua mức 250 nghìn đơn kể từ tháng 01/2022, và cũng đánh dấu tuần có số đơn tăng thứ 4 liên tiếp.
Tỷ giá ngày 22/07: USD = 0.979 EUR (0.18% d/d); EUR = 1.021 USD (-0.18% d/d); USD = 0.833 GBP (-0.08% d/d); GBP = 1.20 USD (0.08% d/d); GBP = 1.176 EUR (0.25% d/d); EUR = 0.851 GBP (-0.25% d/d).