Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 22-26/1
Tổng quan
Số liệu cho thấy, giá vàng leo lên 2.125 USD/ounce vào giữa tháng 12/2023, xác lập mức giá cao nhất kể từ năm 2020. Giá vàng chốt phiên cuối cùng năm 2023 ở mức 2.030 USD/ounce, tăng 13% so với cuối năm 2022.
Theo báo cáo Triển vọng 2024 (Gold Outlook 2024) của Hội đồng Vàng Thế giới WGC, trong năm 2023, ba thời điểm gắn với ba sự kiện sau được đánh giá có ảnh hưởng mạnh nhất đến giá vàng: ngày 07/10, chiến tranh Israel – Hamas bùng nổ; ngày 14/11, chỉ số lạm phát Mỹ được công bố giảm nhanh hơn kỳ vọng kéo theo khả năng chính sách tiền tệ có thể sẽ được nới lỏng sớm hơn; và ngày 13/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED phát đi thông điệp mềm mỏng về chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, có 3 yếu tố tác động mạnh đến nhu cầu vàng trong năm 2023, đó là: vụ sụp đổ Ngân hàng Silicon Valley, chiến sự Hamas – Israel; hai yếu tố này được WGC đánh giá đóng góp khoảng 3-6% vào mức tăng của giá vàng trong năm vừa qua; yếu tố thứ ba liên quan đến thông điệp của FED.
Ngoài ra, NHTW nhiều nước, đặc biệt NHTW các nước G7 và cả Trung Quốc đều tăng mua vàng bổ sung vào dự trữ, tổng quy mô tới hơn 800 tấn vàng trong ba quý đầu năm 2023, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. J.P. Morgan Research ước tính lượng mua của NHTW toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 950 tấn.
Giá vàng thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024, có thể lên đến 2.300 USD/ounce. Dự báo này dựa vào thông điệp mà FED đã phát đi rằng sẽ có ít nhất ba lần hạ lãi suất trong năm tới; bất ổn địa chính trị do căng thẳng Israel-Palestine tại khu vực Trung Đông không có dấu hiệu thuyên giảm trong ngắn hạn; các NHTW tiếp tục mua vàng vật chất với tốc độ ổn định.
Giá vàng trong nước diễn biến bất thường trong năm và đặc biệt cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng SJC trong nước cao hơn giá thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua vào - bán ra lên tới tới 3 triệu đồng/lượng.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 12/2023 tăng 3,98% so với tháng trước; tăng 13,13% so với cùng kỳ năm trước; bình quân giá vàng năm 2023 tăng 4,16%. Giá vàng trong nước năm qua đã biến động mạnh do phụ thuộc vào hai yếu tố: biến động cùng chiều với giá vàng thế giới và các yếu tố từ thị trường trong nước.
Cụ thể, các yếu tố từ thị trường trong nước gồm lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường bất động sản khó khăn dẫn đến vàng trở thành kênh trú ẩn được nhiều người lựa chọn, tạo ra sức cầu lớn trên thị trường. Trong khi Việt Nam đang không sản xuất thêm vàng miếng SJC, cầu tăng lên khiến thanh khoản vàng miếng SJC trở nên căng thẳng, lại càng làm tăng giá vàng.
Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định…
Thủ tướng cũng giao NHNN đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng; tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Tóm lược thị trường trong nước từ 22/01 - 26/01
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 22/01 - 26/01, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm nhẹ đầu tuần rồi tăng trở lại vào 2 phiên cuối. Chốt ngày 26/01, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.036 VND/USD, không thay đổi nhiều so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.187 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tiếp tục biến động tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên 26/01, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.598 VND/USD, tăng tiếp 62 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do có xu hướng tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 26/01, tỷ giá tự do tăng 265 đồng ở chiều mua vào và 235 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.065 VND/USD và 25.115 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 22/01 - 26/01, lãi suất VND LNH có xu hướng giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt ngày 26/01, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: qua đêm 0,18% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 0,30% (không thay đổi); 2 tuần 0,53% (-0,05 điểm phần trăm); 1 tháng 1,13% (-0,13 điểm phần trăm).
Lãi suất USD LNH tăng nhẹ ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 1M. Phiên cuối tuần 26/01, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: qua đêm 5,13% (+0,03); 1 tuần 5,24% (+0,03 đpt); 2 tuần 5,30% (+0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 5,39% (không thay đổi).
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 22/01 - 26/01, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày, với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất đều ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu và đồng thời cũng không có khối lượng đáo hạn từ thị trường.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 24/01, KBNN huy động thành công 7.244 tỷ đồng/8.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 85%. Trong đó, kỳ hạn 10 năm, 20 năm và 30 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 2.000 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng; kỳ hạn 5 năm huy động được 1.634 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng và 15 năm huy động được 1.110 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm là 1,37% (-0,02 điểm phần trăm so với phiên trước đó), 10 năm 2,23% (+0,03 điểm phần trăm), 15 năm 2,43% (+0,03 điểm phần trăm), 20 năm 2,65% (-0,10 điểm phần trăm) và 30 năm 2,85% (không đổi).
Trong tuần này, ngày 31/01, KBNN chào thầu 10.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 3.500 tỷ đồng, 1 năm và 1 năm chào thầu 3.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn và kỳ hạn 30 năm chào thầu 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.440 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 8.651tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua có xu hướng tăng giảm đan xen. Chốt phiên 26/01, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,12% (-0,01 đpt); 2 năm 1,14% (-0,01 đpt); 3 năm 1,19% (-0,01 đpt); 5 năm 1,40% (-0,02 đpt); 7 năm 1,82% (-0,01 đpt); 10 năm 2,28% (+0,04 đpt); 15 năm 2,48% (+0,04 đpt); 30 năm 3,01% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 22/01 - 26/01, thị trường chứng khoán tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần 19/01, VN-Index đứng ở mức 1.175,67 điểm, giảm 5,83 điểm (-0,49%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,02%) về mức 229,43 điểm; UPCom-Index nhích nhẹ 0,24 điểm (+0,27%) lên 87,70 điểm.
Thanh khoản thị trường sụt xuống 15.700 tỷ đồng/phiên từ mức 18.200 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại mua ròng hơn 26 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Kinh tế Mỹ đón nhiều chỉ báo quan trọng, đáng chú ý là GDP Q4/2023 mạnh hơn nhiều so với dự báo. Cụ thể, Văn phòng Thống kê Mỹ công bố GDP nước này tăng 3,3% q/q trong quý 4/2023, giảm tốc so với mức 4,9% của quý trước đó, tuy nhiên vượt nhiều so với dự báo chỉ tăng 2,0%. Như vậy, kinh tế Mỹ tăng trưởng khoảng 2,5% trong cả năm 2023.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân PCE lõi tại Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 12 sau khi tăng 0,1% ở tháng trước đó, khớp với dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2022, PCE lõi tăng 2,9% y/y, là mức thấp nhất kể từ tháng 03/2021. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 20/01 ở mức 214 nghìn đơn, tăng lên từ mức 187 nghìn đơn của tuần trước đó, đồng thời vượt qua mức 199 nghìn đơn theo dự báo.
Số đơn bình quân trong 4 tuần gần nhất ở mức 202,5 nghìn đơn, giảm nhẹ 1,5 nghìn so với 4 tuần trước đó. Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền lõi tại Mỹ tăng 0,6% m/m trong tháng 12, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Tuy nhiên, giá trị hàng hóa lâu bền toàn phần đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 12 sau khi tăng mạnh 5,5% ở tháng 11, trái với dự báo tiếp tục tăng 1,2%.
Cuối cùng, về thị trường bất động sản, doanh số nhà chờ bán tại Mỹ tăng mạnh 8,3% m/m trong tháng 12 sau khi giảm nhẹ 0,3% ở tháng trước đó, cao hơn mức tăng 2,1% theo dự báo. Doanh số bán nhà mới tháng 12 cũng tích cực, ghi nhận mức 664 nghìn căn, cao hơn mức 615 nghìn của tháng 11 và đồng thời cao hơn mức 648 nghìn theo kỳ vọng. Trong tuần này, thị trường chờ đợi cuộc họp đầu năm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed. Kết quả của cuộc họp sẽ được công bố vào sáng sớm ngày 01/02 theo giờ Việt Nam.
NHTW Châu Âu ECB không thay đổi LSCS trong cuộc họp đầu năm, bên cạnh đó khu vực Eurozone cũng đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Về ECB, trong phiên họp ngày 26/01, cơ quan này nhận định lạm phát tại khu vực Eurozone đang trong quá trình hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao. ECB khẳng định sẽ đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu trung hạn 2,0% một cách kịp thời, tránh để các rủi ro dai dẳng đối với người tiêu dùng và nền kinh tế.
Theo đó, ECB quyết định không thay đổi LSCS trong cuộc họp lần này nhằm đạt được mục tiêu nêu trên. LS tái cấp vốn, LS cho vay cận biên và LS tiền gửi tại ECB đang lần lượt ở mức 4,5%; 4,75% và 4,0%, được cơ quan này áp dụng bắt đầu từ ngày 20/09/2023. ECB cho biết sẽ đảm bảo LSCS được đặt ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết, tiếp tục dựa trên dữ liệu lạm phát và kinh tế để đưa ra các quyết định tiếp theo liên quan đến LSCS.
Liên quan đến kinh tế Eurozone, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại khu vực này ở mức 46,6 điểm trong tháng 1, tăng lên từ 44,4 điểm của tháng trước, đồng thời vượt qua mức 44,8 điểm theo dự báo.
Ngược lại, PMI lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone tháng này ở mức 48,4 điểm, giảm xuống từ 48,8 điểm của tháng trước, trái với dự báo tăng lên 49,1 điểm. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Eurozone ở mức -16 điểm trong tháng 1, giảm xuống từ mức -15 điểm của tháng trước đó và trái với dự báo cải thiện lên mức -10 điểm.