Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 9-13/5
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 4-6/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần trước nghỉ lễ 30/4 và 1/5 |
Tổng quan
Sau hơn 2 năm tăng trưởng tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo giảm điểm từ tháng 4 và đặc biệt trong nửa đầu tháng 5 này. So với thời điểm cuối năm 2021, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 21%, đặc biệt chỉ số này giảm tới hơn 11% trong tuần vừa qua.
Ngoài ra, giá trị giao dịch cũng thấp trầm trọng. Trong tháng 4 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 12,0% so với tháng trước đó xuống gần 28.000 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh những ngày đầu tháng 5 với giá trị trung bình mỗi phiên chỉ còn khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với tháng 4.
Một điểm sáng của thị trường là các nhà đầu tư nước ngoài gồm các quỹ ngoại cũng đã quay đầu mua ròng gần 3.900 tỷ đồng trong tháng 4 từ mức bán ròng 3.646 tỷ đồng trong tháng 3. Trong 8 phiên đầu tháng 5 vừa qua, khối ngoại cũng mua ròng hơn 940 tỷ đồng.
Thị trường sụt giảm mạnh gần đây đến từ một số nguyên nhân sau: (i) tâm lí thị trường tiêu cực sau khi một số lãnh đạo tập đoàn lớn vướng vòng lao lý; (ii) thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng; (iii) căng thẳng Nga-Ukraine; (iv) khả năng Fed sẽ tăng lãi suất nhiều lần; (v) dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; và (vi) áp lực giải chấp “margin” lớn ảnh hướng xấu đến thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.
Một số chuyên gia cho rằng sự kết hợp của các vấn đề kinh tế vĩ mô và địa chính trị lớn sẽ khó có thể giúp thị trường chứng khoán kết thúc năm 2022 trong vùng khả quan. Trong giai đoạn điều chỉnh của VN-Index hiện nay, không ít cổ phiếu đã có mức chiết khấu từ 25 - 30%, thậm chí một số cổ phiếu chiết khấu lên tới 40 - 50% so với mức giá đỉnh. Nhiều nhà đầu tư vào thị trường đúng thời điểm mua đỉnh đều đang lỗ, thậm chí lỗ nặng, nhiều tài khoản bị xử lý “bắt buộc bán” xóa hết thành quả của hai năm qua.
Mặc dù vẫn nhận định thời kỳ kiếm tiền dễ dàng đã qua, nhiều chuyên gia vẫn có cái nhìn khá lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay. Họ cho rằng, các động thái mới đây của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng tính minh bạch cho TTCK và thị trường TPDN sẽ có tác động tích cực tới TTCK trong dài hạn, khi góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư minh bạch và công bằng hơn cho các NĐT.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia đánh giá các yếu tố nền tảng đang hỗ trợ tích cực TTCK Việt Nam hiện tại, bao gồm: Số lượng NĐT mới tham gia thị trường vẫn tiếp tục gia tăng trong những tháng đầu năm nay. Thống kê từ đầu năm đến cuối tháng 4/2022, NĐT trong nước mở mới tổng cộng hơn 900.000 tài khoản chứng khoán, hơn gấp đôi tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tổng số tài khoản chứng khoán NĐT trong nước hiện đạt hơn 5,2 triệu, xấp xỉ 5% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Xu hướng này phản ánh đầu tư chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư quan trọng bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống.
Bên cạnh đó, triển vọng phục hồi kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2022 là tốt sau giai đoạn chịu áp lực cao do Covid-19.
Tăng trưởng GDP quý I đạt mức 5,03% cải thiện mạnh so với cùng kỳ; các cân đối vĩ mô khác cơ bản được giữ vững với tỷ giá VND/USD tương đối ổn định so với các đồng tiền khác, lạm phát được kiềm chế, có khả năng đạt mục tiêu dưới 4% trong năm nay; và cán cân thanh toán thặng dư. Các yếu tố trên đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết khả quan. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá triển vọng tốt cho chứng khoán Việt Nam, tin rằng thị trường có thể vượt qua những sự kiện tiêu cực trong ngắn hạn và diễn biến tích cực hơn trong phần còn lại của năm 2022.
Về dài hạn, TTCK tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch COVID-19, với GDP được dự báo tăng khoảng 6,5% trong năm 2022; đồng thời lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam hiện tại rất khả quan.
Về phía DN, đến cuối tháng 4/2022, 116 DN niêm yết trên sàn HoSE đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022, đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 17,3% và lợi nhuận ròng tăng trưởng 19,4% cho năm 2022. Trên sàn HNX, 91 DN niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022, đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 16,8% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 13,3% năm 2022. Tóm lại, dòng tiền “dễ dàng” trong năm 2021 đã không còn, thị trường chứng khoán năm 2022 sẽ chứng kiến sự phân hóa rõ rệt giữa các nhà đầu tư; khả năng lựa chọn cổ phiếu là yếu tố trọng yếu tác động đến hiệu suất của nhà đầu tư.
Tóm lược thị trường trong nước từ 09/05 - 13/05
Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 09/05 - 13/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng qua hầu hết các phiên. Phiên cuối tuần 13/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.163 VND/USD, tăng mạnh 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được NHNN giữ nguyên niêm yết ở mức 22.550 đồng. Tỷ giá bán kỳ hạn 3 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.050 VND/USD trong 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng 200 đồng lên mức 23.250 VND/USD ở các phiên còn lại.
Tỷ giá LNH gần như đi ngang 2 phiên đầu tuần, sau đó tăng mạnh. Chốt tuần 29/04, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.094 VND/USD, tăng mạnh 137 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng rất mạnh trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 13/05, tỷ giá tự do tăng 285 đồng ở chiều mua vào và 250 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.865 VND/USD và 23.930 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 09/05 - 13/05, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động tăng ở tất cả các kỳ hạn qua cả 5 phiên. Chốt ngày 13/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,90% (+0,25 đpt so với phiên cuối tuần trước đó); 1W 2,08% (+0,08 đpt); 2W 2,17 (+0,04 đpt); 1M 2,28% (+0,07 đpt).
Tương tự, lãi suất USD LNH tuần qua vẫn duy trì tăng qua các phiên. Chốt tuần 13/05, lãi suất USD LNH đóng cửa tăng 0,12 – 0,15 đpt ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: ON 0,90%; 1W 0,99%; 2W 1,09% và 1M 1,18%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 09/05 - 13/05, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố ở cả 5 phiên, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,50%. Có 1.762,95 tỷ đồng trúng thầu trong tuần qua. Trong tuần có 4.303,15 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 2.540,20 tỷ VND từ thị trường, đưa khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố giảm xuống mức 2.873,89 tỷ VND.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Giao dịch trên thị trường sơ cấp khá trầm lắng. Ngày 09/05, NHCSXH huy động thành công 1.500/3.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 50%). Toàn bộ khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 3 năm, lãi suất 2,3%/năm. Các kỳ hạn còn lại gồm 5 năm, 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại.
Ngày 11/05, KBNN huy động thành công 870/4.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 19%). Trong đó, kỳ hạn 15 năm huy động được 370/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất kỳ hạn 15 năm và 30 năm không đổi lần lượt tại 2,58%/năm và 3,01%/năm.
Trong tuần vừa qua từ 09-13/05 và trong tuần này từ 16-20/05 đều không có lượng TPCP đáo hạn. Về kế hoạch đấu thầu trong tuần này: ngày 16/05, NHCSXH dự kiến gọi thầu 3.500 tỷ đồng các kỳ hạn từ 3 năm đến 15 năm; tiếp đó ngày 18/05, KBNN dự kiến gọi thầu 4.500 tỷ đồng các kỳ hạn từ 10 năm đến 30 năm.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.668 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.370 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tăng khá ở các kỳ hạn. Chốt phiên 13/05, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 2,02% (+0,13 đpt); 2 năm 2,16% (+0,17 đpt); 3 năm 2,24% (+0,16 đpt); 5 năm 2,5% (+0,24đpt); 7 năm 2,94% (+0,33 đpt); 10 năm 3,27% (+0,19 đpt); 15 năm 3,36% (+0,15 đpt); 30 năm 3,4% (+0,11 đpt).
Thị trường chứng khoán: Tuần từ 09/05 - 13/05, thị trường chứng khoán giảm rất mạnh trong 3 phiên và chỉ phục hồi yếu ớt 2 phiên giữa tuần. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 13/05, VN-Index đứng ở mức 1.182,77 điểm, tương ứng sụt tới 146,49 điểm (-11,02%) so với tuần trước đó; HNX-Index cũng giảm mạnh 41,07 điểm (-11,96%) còn 302,39 điểm; UPCom-Index lao dốc 8,27 điểm (-8,12%) còn 93,61 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức rất thấp với giá trị giao dịch trung bình trên 18.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng nhẹ gần 143 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Thống đốc Fed Jerome Powell tiếp tục điều hành tổ chức này nhiệm kỳ tiếp theo. Bên cạnh đó, các chỉ báo cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ tạm thời hạ nhiệt. Ngày 13/05, Thượng viện Mỹ thông qua cuộc bỏ phiếu với 80 phiếu thuận /19 phiếu chống, chính thức lựa chọn ông Jerome Powell là Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang nhiệm kỳ 2022-2026.
Nhiều nhận định từ thị trường kỳ vọng rằng CSTT của Fed sẽ không đảo chiều quá nhanh trong giai đoạn tới, dưới sự điều hành của ông Powell. CME Fedwacth cho thấy 92% khả năng Fed tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 tới, và chỉ có 8% tăng LSCS 75 điểm.
Liên quan tới kinh tế Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi của nước này lần lượt tăng 0,3% ca 0,6% m/m trong tháng 4, nối tiếp đà tăng 1,2% và 0,3% của tháng 3, đồng thời vượt qua mức tăng 0,2% và 0,4% theo dự báo.
Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2021, CPI toàn phần Mỹ chỉ tăng 8,3% trong tháng 4, thấp hơn một chút so với mức tăng 8,5% ở tháng 3. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần và PPI lõi tại nước này lần lượt tăng 0,5% và 0,4% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà tăng 1,4% và 1,0% ở tháng trước đó, gần khớp so với dự báo tăng 0,5% và 0,6%.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 59,1 điểm trong tháng 5, giảm tương đối mạnh từ 65,2 điểm của tháng 4 và xuống thấp hơn so với dự báo ở 64,1 điểm. Cuối cùng, số niềm đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 07/05 ở mức 203 nghìn đơn, gần như không đổi so với 202 nghìn đơn của tuần trước đó.
Nước Anh đón nhận nhiều thông tin kinh tế tiêu cực. Đầu tiên, GDP của nước Anh chỉ tăng 0,8% q/q trong quý 1, điều chỉnh xuống thấp hơn so với mức tăng 1,3% theo báo cáo sơ bộ và đồng thời thấp hơn cả mức 1,0% theo dự báo của các chuyên gia. GDP tháng 3 của quốc gia này giảm 0,1% m/m; trái với dự báo tiếp tục đi ngang như kết quả của tháng 2. Sản lượng công nghiệp trong tháng 3 của nước Anh giảm 0,2% m/m, nối tiếp đà giảm 0,6% của tháng trước đó.
Cán cân thương mại nước Anh thâm hụt 23,9 tỷ GBP, là tháng có mức thâm hụt lớn thứ 2 trong lịch sử, sâu hơn nhiều so với dự báo chỉ thâm hụt 18,5 tỷ. Cuối cùng, trong tháng 4, doanh thu bán lẻ tại nước này giảm mạnh 1,7% m/m (theo thống kê của British Retail Consortium), nối tiếp đà giảm 0,4% của tháng 3 và trái với kỳ vọng tăng mạnh 3,5%.
Nước Đức cho thấy tình hình bi quan kéo dài. CPI tại Đức tăng 0,8% m/m trong tháng 4, bằng với mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo. Như vậy, CPI y/y của nước này tiếp tục dâng lên 7,4% từ mức 7,3% của tháng 3. Niềm tin kinh tế của nước này ở mức -34,3 điểm trong tháng 5, tích cực hơn so với mức -41,0 điểm của tháng 4 và trái với dự báo giảm sâu xuống mức -43,0 điểm. Song, đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp chỉ số niềm tin nằm sâu dưới mức 0.
Chủ tịch ngân hàng Bundesbank Joachim Nagel cho rằng NHTW Châu Âu ECB nên tăng LSCS trở lại và đồng thời khẳng định những tác động của việc bình thường hóa LSCS lên kinh tế khu vực sẽ không đáng lo ngại.
Tỷ giá ngày 13/05: USD = 0.961 EUR (-0.31% d/d); EUR = 1.041 USD (0.31% d/d); USD = 0.816 GBP (-0.51% d/d); GBP = 1.226 USD (0.51% d/d); GBP = 1.178 EUR (0.20% d/d); EUR = 0.849 GBP (-0.20% d/d).