Điện Biên tận dụng thế mạnh, tạo bứt phá tăng trưởng
2023 là năm bản lề thực hiện mục tiêu nhiệm vụ cả giai đoạn 2021-2025. Xin ông cho biết, những thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên trong năm qua?
Ông Phạm Đức Toàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên |
Quyết tâm xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững là một trong những thành tố quan trọng của chủ đề Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ đề của Ðại hội mang thông điệp phát triển, thể hiện quyết tâm chính trị, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn Ðảng bộ, đồng thời cũng chính là nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Ðây là mục tiêu cao, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực to lớn của toàn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên trong nhiệm kỳ này.
Năm 2023, tỉnh Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu lớn về phát triển kinh tế - xã hội quan trọng với 14/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tiếp tục nằm trong nhóm đầu các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc về tốc độ tăng trưởng kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 7,10%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 14,36% so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 28,93%; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45%... Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, công tác hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh được tập trung thực hiện có hiệu quả, đến hết năm 2023 hoàn thành 100% nhà Đại đoàn kết theo phát động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đặc biệt, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã và đang được tỉnh Điện Biên khơi nguồn nhằm phát huy vai trò, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là, các giá trị này được quan tâm bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị, xây dựng thành các sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá vẻ đẹp con người, mảnh đất Điện Biên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể kể đến như các công trình phát huy giá trị văn hóa, một số đã hoàn thành đưa vào hoạt động và phát huy giá trị như Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bức tranh panorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” toàn cảnh tái hiện chân thực và sống động những khoảnh khắc điển hình nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Các công trình này không những là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên mà còn là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ; đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Năm 2023, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt trên 1 triệu lượt, tăng 23,46% so với năm 2022; doanh thu hoạt động du lịch đạt trên 1.750 tỷ đồng, tăng gần 26,45% so với năm 2022.
Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn đã đóng góp như thế nào vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?
Hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế địa phương. Ngành Ngân hàng đã bám sát Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, chỉ đạo của NHNN Việt Nam, điều hành quản lý hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn ổn định, an toàn và phát triển, cung cấp đầy đủ vốn cho các hoạt động kinh tế. Hệ thống ngân hàng đã khẳng định là kênh đầu tư vốn quan trọng để các thành phần kinh tế phát triển, nổi bật nhất là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Đồng thời, hệ thống ngân hàng luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng tỉnh Điện Biên đã tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt và có những bước phát triển mạnh nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Hiện nhiều ngân hàng có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số, trong đó nhiều nghiệp vụ đã được số hóa như rút tiền và nộp tiền vào tài khoản tại máy rút gửi tiền tự động, gửi tiết kiệm online, mở và sử dụng tài khoản thanh toán online... Tính đến 31/12/2023, trên địa bàn có 481.095 tài khoản mở tại ngân hàng với số dư là 6.231 tỷ đồng, trong đó có 5.926 tài khoản doanh nghiệp và 475.169 tài khoản cá nhân. Tổng số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đạt hơn 29,9 triệu giao dịch với giá trị 137.954 tỷ đồng. Thanh toán qua POS đạt 89,2 tỷ đồng/58.176 giao dịch. Số lượng thẻ thanh toán được phát hành đạt 81.198 thẻ, tăng 49,17% so với năm 2022.
Các NHTM trên địa bàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, doanh nghiệp liên quan để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công nói riêng. Tính tới 31/12/2023, các NHTM đã cấp tài khoản ngân hàng cho 21.497/36.244 đối tượng, chi trả qua tài khoản cho 15.992/36.244 đối tượng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo trong công tác thanh toán học phí và chế độ chính sách cho học sinh không dùng tiền mặt…
2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Điện Biên khi kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… Ông có thể cho biết những mục tiêu lớn của tỉnh đặt ra trong năm đặc biệt này. Để hiện thực hóa thắng lợi kế hoạch, mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên sẽ thực hiện những giải pháp trọng tâm nào?
Năm 2024, tỉnh Điện Biên đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 49,03 triệu đồng/người/năm (tăng 14,09% so với năm 2023); Thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt trên 281.918,18 tấn, phát triển đàn gia súc tăng 3,73% so với năm 2023; Tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 14.192 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.924 tỷ đồng, tăng trên 17% so với năm 2023; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 20.951,1 tỷ đồng, phấn đấu tăng trên 14% so với năm 2023; Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh) phấn đấu đạt 3.680 tỷ đồng, tăng 6,74% so với năm 2023; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 23.900 tỷ đồng, tăng trên 9%; Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 130 triệu USD.
Trong năm 2024, tỉnh cũng tập trung triển khai có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo trên địa bàn. Cụ thể, phấn đấu đào tạo nghề cho 8.500 lao động, tạo việc làm mới cho 9.200 lao động; Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 22,03%, giảm 4,00% so với năm 2023; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó phấn đấu hết năm 2024 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với số tiêu chí bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã.
Đặc biệt với chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, tỉnh Điện Biên đặt ra mục tiêu đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 2.200 tỷ đồng.
Tiếp tục phát huy truyền thống Ðiện Biên Phủ Anh hùng, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sức mạnh khối Đại đoàn kết các dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế. Tỉnh Điện Biên quyết tâm cao độ để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đã đề ra trong năm 2024 và cơ bản hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; là tiền đề tạo đà cho công cuộc xây dựng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn tiếp theo, qua đó từng bước cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 “Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước” theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm như tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó xác định một số mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 phấn đấu hoàn thành trong năm 2024; Tổ chức thành công các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên; Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư với trọng tâm là nguồn lực đầu tư công, đảm bảo vai trò dẫn dắt, kết hợp với nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và nguồn lực xã hội hóa để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực làm động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và dịch vụ du lịch.
Trước dự báo tình hình kinh tế trong nước cũng như toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, để tạo nên những bứt phá hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh sẽ phát huy những lợi thế nào và ngành Ngân hàng có thể đồng hành với tỉnh như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Năm 2024 được dự báo là một năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn. Trong thời gian tới, để thực hiện được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, thách thức đối với Ðiện Biên là không nhỏ. Tuy nhiên, Ðiện Biên cũng có nhiều lợi thế, bản sắc riêng mang tính chất nền tảng để có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng tỉnh Ðiện Biên phát triển nhanh và bền vững”. Ðó là truyền thống Anh hùng cách mạng với chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là sự đoàn kết, nhất trí, đồng sức, đồng lòng của toàn Ðảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân 19 dân tộc anh em.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Ðiện Biên có lợi thế về phát triển du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa các dân tộc. Ðiện Biên còn có lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp với nhiều loại cây trồng chủ lực, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Ðiện Biên. Do đó, đây được xem là cơ hội rất lớn để Điện Biên đẩy mạnh thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng thành điểm trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào - Đông Bắc Thái Lan - Tây Nam Trung Quốc. Qua đó, phát huy tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, lối mở A Pa Chải. Ðây là sức mạnh then chốt và chủ lực để Ðiện Biên tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Song song với các giải pháp về kinh tế, Điện Biên tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo; ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, phát triển sinh kế lâu dài bền vững cho người dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nguồn vốn ngân hàng luôn là nguồn lực đặc biệt quan trọng đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đầu tư có hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình trọng điểm kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Cụ thể là triển khai thực hiện hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế; luôn tích cực đồng hành cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn; triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi với các nhóm lĩnh vực thế mạnh và được ưu tiên.
Đồng thời, luôn có giải pháp kịp thời, hiệu quả kiểm soát nợ xấu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt và mở rộng hệ sinh thái số để đáp ứng kịp thời các nhu cầu của nền kinh tế. Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp hiểu về cơ chế, chính sách, chủ trương của Nhà nước, của ngành để doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, hiểu, nắm rõ chính sách, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Điện Biên cần tăng cường huy động vốn, tranh thủ sự hỗ trợ vốn của ngân hàng cấp trên, tiếp tục mở rộng địa bàn, hiện đại hóa công nghệ, thực hiện có hiệu quả Đề án 06, chuyển đổi số… Đặc biệt là đầu tư nguồn vốn cho nền kinh tế góp phần chủ đạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!