Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng: Chủ động, linh hoạt và bản lĩnh
Nhân dịp Xuân mới, Thời báo Ngân hàng có buổi trao đổi, chia sẻ cùng Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú xung quanh vấn đề này.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú |
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn chưa có tiền lệ do dịch Covid-19, điều hành chính sách và hoạt động ngân hàng chắc chắn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Xin Phó Thống đốc cho biết NHNN làm thế nào để đạt được kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng tích cực như trong năm 2021 vừa qua?
Đúng là chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vì thế rất cần sự chủ động, linh hoạt và bản lĩnh trong điều hành lúc này.
Như các bạn đã thấy, từ năm 2020 đến nay, thế giới và đất nước ta đã trải qua những thiệt hại rất nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh đó, điều hành vĩ mô của Chính phủ nói chung và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng của NHNN nói riêng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm xử lý. Cùng với Chính phủ, đây chính là lúc NHNN phải tập trung cao độ để phân tích, đánh giá, tăng cường sự chủ động trong dự báo để đưa ra các quyết định chính sách phù hợp và điều hành linh hoạt, hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành cùng một lúc nhiều mục tiêu: (1) Kịp thời ứng phó với dịch bệnh, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; (2) Khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; (3) Tập trung kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần ổn định vĩ mô…
Thách thức lớn nhất đối với NHNN là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu giảm lãi suất, mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế và yêu cầu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định vĩ mô. Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều về mức tăng trưởng tín dụng, về lãi suất. Có luồng ý kiến cho rằng, cần hạ thấp lãi suất hơn nữa, mở rộng tín dụng hơn nữa; nhưng có quan điểm cho rằng phải duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để cân đối hài hòa giữa lãi suất huy động, lãi suất cho vay và kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp để hỗ trợ kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần hỗ trợ lớn từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì không thể có một chính sách tiền tệ "xơ cứng" theo đuổi mục tiêu đơn nhất. Vì vậy, với sự kiên định mục tiêu ưu tiên hàng đầu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, NHNN đã theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, làm tốt công tác dự báo và điều hành hài hoà các công cụ chính sách, kiểm soát chặt chẽ lượng tiền cung ứng, linh hoạt điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng, kiểm soát tốt rủi ro để vượt qua thách thức, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ.
Song song với đó, NHNN cũng rất chú trọng công tác truyền thông, giải thích chính sách để dư luận xã hội và các nhà đầu tư trong, ngoài nước hiểu, đồng thuận và ủng hộ chủ trương, chính sách, giải pháp điều hành của NHNN. Trong quá trình điều hành, NHNN đã thường xuyên đánh giá hiệu quả chính sách, tham vấn ý kiến chuyên gia, các hiệp hội ngành nghề, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của chính sách để kịp thời rút kinh nghiệm và linh hoạt điều chỉnh nếu cần cho phù hợp với diễn biến vĩ mô.
Và thực tế cho thấy, với bản lĩnh và sự chủ động, linh hoạt của mình, NHNN và ngành Ngân hàng đã vững vàng vượt qua hai năm sóng gió với những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả chung của đất nước.
NHNN đã kịp thời ban hành sớm ngay từ đầu năm 2020 chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Đầu tiên phải kể đến là NHNN đã điều hành chỉ số lạm phát cơ bản – lạm phát do yếu tố tiền tệ ở mức thấp; điều hành tỷ giá linh hoạt, ổn định và duy trì sự ổn định của thị trường ngoại tệ; duy trì các mức lãi suất điều hành ở mức thấp, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp để tạo điều kiện và hiệu ứng cho các TCTD giảm lãi suất cho vay và mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai là đã kịp thời ban hành sớm ngay từ đầu năm 2020 chính sách cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch, giúp các doanh nghiệp, người dân vay vốn không bị chuyển nợ xấu và được miễn, giảm lãi, phí đối với những khoản nợ đến hạn chưa trả được nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời được vay mới với lãi suất thấp để phục hồi sản xuất kinh doanh. Chính sách này cũng được sửa đổi, bổ sung hai lần theo hướng mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thụ hưởng cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh trong năm 2021. Có thể nói đây là kết quả rất quan trọng, một giải pháp có tính đặc thù của Việt Nam, khác với các nước trên thế giới trong điều hành hoạt động tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ nền kinh tế khắc phục khó khăn do dịch bệnh.
Cùng với chính sách then chốt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nêu trên, NHNN cũng đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các TCTD triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù theo chỉ đạo của Chính phủ, như: chính sách trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh; hỗ trợ vốn cho Vietnam Airlines; cho vay doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu...
Thứ ba là đã chỉ đạo các TCTD vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo không để xảy ra gián đoạn trong việc cung cấp dịch vụ tín dụng, ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời, đơn giản hoá quy trình thủ tục, tăng cường ứng dụng các giao dịch trực tuyến để hạn chế tiếp xúc, rút ngắn thời gian giao dịch… Vì vậy, ngay cả khi các tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và giãn cách tăng cường thì hoạt động ngân hàng vẫn không bị gián đoạn.
Thứ tư, NHNN đã kịp thời đánh giá tác động tiêu cực của dịch bệnh đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là nợ xấu để báo cáo Chính phủ và chỉ đạo các TCTD có các giải pháp ứng phó bảo đảm an toàn hệ thống bằng chính nội lực của các TCTD; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng để hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; tăng cường trích lập dự phòng rủi ro; đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu.
Cùng với những chỉ đạo, điều hành trên, chúng tôi cũng đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, yêu cầu của Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục xây dựng Đề án mới giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tích cực xử lý các ngân hàng yếu kém để từng bước ổn định, lành mạnh hệ thống ngân hàng; tập trung mạnh mẽ vào chiến lược chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, phát triển các dịch vụ ngân hàng số và tài chính toàn diện theo chiến lược đã đặt ra.
Một kết quả quan trọng không thể không nhắc đến, đó là phối hợp với các bộ, ngành xử lý hài hoà, khéo léo các vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào thành công chung khi Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) quyết định không áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nền kinh tế thao túng tiền tệ, vừa giúp Việt Nam tránh được thiệt hại về kinh tế, vừa tăng cường niềm tin, hệ số tín nhiệm, tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, củng cố quan hệ đầu tư, thương mại với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Những kết quả nêu trên đã cho thấy trách nhiệm của cả Ngành với nền kinh tế và khẳng định bản lĩnh, sự chủ động, linh hoạt cơ chế chính sách của toàn Ngành, đặc biệt là Thống đốc NHNN - người đứng đầu Ngành trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong điều kiện có nhiều khó khăn, chưa từng có tiền lệ và chịu nhiều sức ép từ các ý kiến trái chiều trong nền kinh tế.
Tại lễ ra mắt Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, đại diện cho NHNN Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã trao ủng hộ Quỹ 5 tỷ đồng |
Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đánh giá ngân hàng là một trong những bộ ngành đi tiên phong trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng chính nội lực của mình. Xin ông chia sẻ thêm về kết quả này? Sự hỗ trợ này có ảnh hưởng đến năng lực tài chính của các TCTD không, thưa ông?
Chúng tôi phải trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc hội và rất nhiều đại biểu Quốc hội đã có những nhận xét, đánh giá, động viên, khích lệ ngành Ngân hàng trong việc tích cực chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch bệnh trong suốt hai năm qua.
Với vai trò huyết mạch, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhiều năm qua ngành Ngân hàng luôn xác định hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ này lại càng trở nên bức thiết khi dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng, trong khi vẫn cần nguồn vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ý thức được rõ trách nhiệm của mình và với quan điểm “cộng sinh” cùng doanh nghiệp, ngay sau khi NHNN sớm ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như đã nêu ở trên, các TCTD đã chủ động rà soát, đánh giá mức độ bị thiệt hại của khách hàng vay vốn và kịp thời triển khai ngay các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định.
Chính sách trọng tâm được tất cả các TCTD đồng loạt triển khai là việc cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là sự hỗ trợ bằng chính nguồn lực của các TCTD. Tính từ đầu dịch đến nay, các TCTD đã miễn, giảm lãi suất cho trên 2,2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm đạt khoảng 37.500 tỷ đồng; giảm khoảng 2.560 tỷ đồng phí dịch vụ thanh toán; 1,32 triệu khách hàng đã được vay mới trên 7,6 triệu tỷ đồng với lãi suất thấp.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, NHCSXH đã triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả tiền lương ngừng việc cho người lao động. Đến 28/12/2021, NHCSXH đã giải ngân trên 63 tỉnh, thành phố với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng cho 2.333 đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 530 ngàn lượt người lao động.
Một số NHTM đã cho Vietnam Airlines vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp dưới 2,5%/năm; tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để thu mua, tạm trữ thóc, gạo nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ do cách ly, phong tỏa.
Những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng như đã nêu ở trên góp phần quan trọng giúp Việt Nam trở thành một trong số ít nước có mức tăng trưởng dương trong cả năm 2020 và 2021.
Việc các TCTD sử dụng nguồn lực của chính mình thông qua các chính sách, chương trình giảm lãi vay, miễn phí dịch vụ… để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chắc chắn sẽ làm giảm phần nào lợi nhuận của TCTD và ảnh hưởng đến tiến trình nâng cao năng lực tài chính của các TCTD như đã đề ra trong Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD. Mặt khác, khả năng trả nợ của khách hàng giảm sút khiến cho nguy cơ nợ xấu gia tăng, khiến các TCTD phải dành nhiều nguồn lực hơn cho xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các TCTD cần phải thể hiện rõ ý thức, trách nhiệm với khách hàng và với cộng đồng, xã hội bằng cách sử dụng nguồn lực của mình để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Đây cũng là lúc, là cơ hội để các TCTD thể hiện bản lĩnh của mình trong việc ứng phó với khó khăn, thách thức, tìm cách cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm tối đa chi phí, mở rộng các hoạt động phi tín dụng, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, tăng cường trích lập dự phòng để tạo nguồn lực xử lý nợ xấu… nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực từ dịch bệnh và phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả hơn.
Tôi tin tưởng rằng, với kinh nghiệm và bản lĩnh có được qua các giai đoạn thực hiện cơ cấu lại vừa qua, cũng như đã từng ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới, khu vực trước đây, các TCTD sẽ phát huy tốt nội lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh, vừa cơ cấu lại hoạt động của mình, duy trì, gia tăng năng lực tài chính để phát triển an toàn, bền vững và hoàn thành các mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Các TCTD đã miễn, giảm lãi suất cho trên 2,2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,9 triệu tỷ đồng |
Năm 2022 nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường đoán và những thách thức từ kinh tế thế giới, từ thiên tai, biến đổi khí hậu... Trong bối cảnh đó NHNN sẽ ứng xử như thế nào trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, thưa Phó Thống đốc?
Tôi phải nói ngay rằng có tám vấn đề được xem là nguy cơ, có tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của Ngành cũng như nền kinh tế trong năm 2022 đã được NHNN nhận định tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022 tổ chức vào ngày 29/12/2021 vừa qua. Đó là:
(1) Nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước; tác động của chính sách thương mại, đầu tư, gia tăng đột biến giá nhiều hàng hóa, thắt chặt tiền tệ của một số quốc gia có nền kinh tế lớn; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Trong nước, thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu tăng trưởng nóng, độ trễ của các gói kích thích kinh tế và độ mở của việc nới lỏng tiền tệ mấy năm vừa qua cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
(2) Dịch bệnh kéo dài suốt từ năm 2020 đến nay vẫn chưa kết thúc, do có độ trễ nên sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo, gây khó khăn trong kiểm soát nợ xấu và tác động tiêu cực, nguy cơ nợ xấu tăng cao, tăng nhanh ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản có, năng lực tài chính của các TCTD.
(3) Việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn với tỷ lệ khá cao trong thời gian dài vừa qua, cùng với chính sách cơ cấu lại các khoản cho vay, kéo dài thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp, người dân là giải pháp tình thế, cần thiết trong ngắn hạn để khắc phục khó khăn do dịch bệnh, nhưng nếu tiếp tục phải kéo dài do dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt sẽ tiềm ẩn rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.
(4) Việc mở rộng nhiều các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên để thực hiện các mục tiêu chính sách của Chính phủ tạo áp lực không nhỏ cho các TCTD trong cân đối nguồn vốn tín dụng trung - dài hạn và ảnh hưởng đến khả năng tài chính nếu không được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ nguồn vốn ưu đãi và cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước.
(5) Sức khỏe doanh nghiệp bị bào mòn, năng lực tài chính của doanh nghiệp giảm sút bởi tác động của dịch bệnh nên khách hàng khó đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, khiến việc xem xét cho vay mới sẽ gặp khó khăn. Còn ngược lại, nếu nới lỏng các điều kiện, dễ dàng cho vay sẽ làm giảm sút chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu.
(6) Hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện theo hướng đồng bộ và quy định cụ thể thẩm quyền trong việc cơ cấu lại các TCTD, xử lý các ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu, hoạt động tín dụng tiêu dùng. Điều này sẽ làm chậm quá trình tái cơ cấu các TCTD để đạt tới mục tiêu đặt ra.
(7) Việc nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM nhà nước gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào khả năng, quy mô cấp vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, vị thế, vai trò trụ cột trong thực thi chính sách và dẫn dắt thị trường của các NHTM nhà nước sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn.
(8) Chuyển đổi số đang đặt ra nhiều thách thức và sự cấp thiết trong hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển, mở rộng các hoạt động ứng dụng công nghệ số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật.
Những khó khăn này cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước sẽ tạo ra thách thức rất lớn cho ngành Ngân hàng. Để có thể hoàn thành được nhiệm vụ vừa kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường đầu tư vốn tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ và triển khai tích cực Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, NHNN đã xác định 5 mục tiêu trọng tâm trong điều hành năm 2022 như sau.
Một là, tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Hai là, tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã và đang triển khai trong năm 2020, 2021 và có điều chỉnh, bổ sung nếu cần thiết cho phù hợp với diễn biến năm 2022. Tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro, đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách mới theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất trong khuôn khổ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị của các TCTD, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và phát triển.
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt để vừa phấn đấu theo kịp xu hướng phát triển chung trong khu vực và trên thế giới, vừa thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Trong đó có 3 vấn đề then chốt cần thực hiện đồng thời là: (1) Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số; (2) Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động chuyển đổi số; (3) Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số.
Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thực hiện các mục tiêu quốc gia, tín dụng hỗ trợ các đối tượng ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ; tích cực đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội và trách nhiệm cộng đồng, vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bình đẳng giới và công bằng xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc Thường trực!