Định hình chiến lược kinh doanh trong bối cảnh tiêu dùng thay đổi
Theo lãnh đạo Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, trong bối cảnh thị trường tiêu dùng liên tục thay đổi và biến động, việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng và áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp trở nên vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải nắm bắt, hiểu rõ và thích ứng với những thay đổi này. Việc áp dụng đúng các yếu tố của chiến lược bán lẻ hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Những chiến lược này, nếu được thực hiện một cách chính xác và kịp thời, sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có thể khẳng định vị thế trên thị trường.
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung khuyến cáo các doanh nghiệp phải thay đổi và định hình chiến lược kinh doanh hiệu quả khi thị trường tiêu dùng với hành vi mua sắm đang thay đổi, |
Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, Quản lý cấp cao phụ trách phát triển thị trường cho dịch vụ về đo lường bán lẻ tại Nielseniq Việt Nam cho rằng, thị trường tiêu dùng hiện nay đã thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là sự gia tăng của mua sắm trực tuyến và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
Theo bà Dung, kênh bán hàng truyền thống đang có xu hướng chững lại, trong khi kênh bán hành xu hướng hiện đại có mức tăng trưởng ổn định. Kênh bán hàng truyền thống có suy giảm theo vùng như thị trường miền Nam kênh bán hàng truyền thống chậm hơn thị trường các vùng miền khác. Thậm chí, kênh bán hàng truyền thống với kênh bán sỉ lẻ chỉ đóng vai trò quan trọng trong dịp Tết khi tiêu dùng tăng trưởng mạnh hơn so với các thời điểm khác trong năm. Xu hướng tiêu dùng kênh On (tiêu dùng tại chỗ) hiện được khách hàng lựa chọn nhiều vì nó nhấn mạnh vai trò của trải nghiệm của người mua trực tiếp tại cửa hàng…
Theo đánh giá của chuyên gia Nielseniq, trong khi sản phẩm thuộc nhóm cao cấp vẫn được ưa chuộng trong dịp Tết, phân khúc tiết kiệm lại tăng tỷ trọng so với Tết năm trước trước tình hình suy thoái kinh tế. Cơ hội cho các dòng hàng siêu cao cấp vẫn còn nhưng thị trường cho thấy đang có sự thay đổi theo hướng phù hợp với túi tiền. Chỉ các ngành hàng thiết yếu hoặc liên quan đến sức khỏe như sữa và thực phẩm có xu hướng cao cấp hóa trong Tết
“Sự tin cậy tiếp tục là yếu tố quan trọng, đặc biệt là khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cụ thể là với các nhà sản xuất nhỏ hơn trong ngành hàng nước giải khát và thực phẩm hiện nay cũng được người tiêu dùng chú ý và ủng hộ”, bà Dung nhận định.
Để bán hàng với chiến lược hiểu quả, bà Dung cho biết dựa trên nghiên cứu và phân tích của Nielseniq, chiến lược này tập trung vào năm yếu tố chính để đảm bảo sự thành công trong kinh doanh bán lẻ: đúng điểm bán, đúng sản phẩm, đúng mức giá, đúng hình thức trưng bày, và đúng hoạt động kích cầu.
Việc xác định đúng điểm bán là một trong những yếu tố quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần tập trung vào các khu vực có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất. Điều này đòi hỏi một sự nghiên cứu kỹ lưỡng và liên tục cập nhật thông tin về các khu vực vàng và cửa hàng tiềm năng. “Xác định các khu vực vàng và cửa hàng có lượng người tiêu dùng tập trung cao nhất sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa doanh thu và tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu hơn”. Song song đó, chọn đúng sản phẩm để phân phối tại từng khu vực cũng là một yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, bà Dung cho rằng việc lập chiến lược về mức giá hợp lý với khuyến mãi và giá tốt nhất hàng ngày, dựa trên thông tin chi tiết và mức giá đối chiếu, sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng hơn…
“Cuối cùng, các hoạt động kích cầu hiệu quả là không thể thiếu trong chiến lược bán lẻ. Doanh nghiệp cần đo lường hiệu suất tại cửa hàng để điều chỉnh các điều kiện nhằm mang lại lợi tức đầu tư tối đa. Doanh nghiệp nên thường xuyên đánh giá và cải tiến các hoạt động quảng bá, khuyến mãi để duy trì và gia tăng sự quan tâm của khách hàng”, bà Dung khuyến cáo.