Đìu hiu bến xe xã hội hóa
Câu chuyện tượng đài | |
Xây chợ để… bỏ hoang! |
Thời gian qua, người dân thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) bức xúc vì chính quyền địa phương thu hồi đất sản xuất của người dân phường Điện An (thị xã Điện Bàn) để đầu tư Bến xe Bắc Quảng Nam.
Tuy nhiên, sau khi nhà nước đầu tư xây dựng xong thì hàng chục năm qua không thấy xe nào vào bến đón khách, mà chỉ toàn đón bên ngoài bến, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điều đáng nói, với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, trên diện tích gần 10ha đất nông nghiệp, xong bến xe trở thành nơi hoang hóa, cho thuê làm dịch vụ bán cà phê, mở sân bóng đá mini…
Bến xe, nhà điều hành được đầu tư khang trang, nhưng chưa một lần phục vụ hành khách |
Bến xe này nằm ở cửa ngõ vào trung tâm thị xã Điện Bàn, với diện tích hơn 7,58ha, được Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng, đưa vào sử dụng vào năm 2009.
Sau nhiều năm hoạt động không hiệu quả, năm 2012, chủ đầu tư là Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam bàn giao bến xe khách Bắc Quảng Nam cho Công ty TNHH Đầu tư bến xe Bắc Quảng Nam quản lý, sử dụng. Các hạng mục được đưa vào kế hoạch kinh doanh như kinh doanh bến xe, vận tải hành khách theo tuyến cố định, theo hợp đồng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ… kèm theo đó còn có các dịch vụ như đại lý bán vé ô tô, máy bay, tàu hỏa; cơ sở bảo dưỡng ô tô, nhà hàng ăn uống…
Mặc dù được xã hội hóa, giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng và khai thác, song tình hình hoạt động kinh doanh của bến xe này cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Đại diện doanh nghiệp quản lý bến xe Bắc Quảng Nam cho hay, hiện các nhà xe không chịu vào bến, chỉ dừng, đón khách dọc đường hoặc qua điện thoại rồi nhận khách.
Vị đại diện Công ty TNHH Đầu tư bến xe Bắc Quảng Nam trăn trở, dù DN nỗ lực phối hợp với các cơ quan chức năng, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam để cải thiện nhưng tình hình hoạt động của bến không khả quan hơn. Chính vì bến xe không thể hoạt động nên những dịch vụ kinh doanh kèm theo của bến xe đều bỏ ngỏ, không dám đầu tư để phát triển.
Tương tự, trên địa bàn Đà Nẵng, bến xe phía Nam Đà Nẵng được Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư trên 130 tỷ đồng xây dựng, đưa vào vận hành từ tháng 9/2012. Thế nhưng, hơn 5 năm qua, bến xe này chưa một ngày có khách đến, cũng như không có các DN vận chuyển hành khách ký hợp đồng ra vào bến...
Theo ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, từ khi đưa vào hoạt động đến nay, chủ đầu tư Bến xe phía Nam Đà Nẵng đối mặt với nhiều khó khăn về cơ chế và trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Các chủ DN vận tải cho rằng, quy hoạch xây dựng Bến xe phía Nam Đà Nẵng là chính đáng theo sự phát triển đô thị và nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, các DN chưa vào khai thác vì còn băn khoăn, chưa biết Bến xe phía Nam có giải pháp gì để hỗ trợ, trung chuyển khách trên các tuyến Đà Nẵng - phía Nam - Tây Nguyên và ngược lại, hoặc Đà Nẵng - miền Bắc và ngược lại.
Ông Pháp cho hay, sau nhiều lần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đệ đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, ngày 28/2/2014, Bộ Giao thông - Vận tải có văn bản số 2070/BGTVT-VT gửi chính quyền TP. Đà Nẵng đề nghị quy hoạch mạng lưới tuyến nội tỉnh và xe buýt đi, đến bến xe phía Nam Đà Nẵng.
Qua đó, tạo điều kiện cho bến xe phía Nam được phục vụ các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh và xe buýt thành phố, góp phần giảm tải áp lực lưu lượng phương tiện lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn và vệ sinh môi trường. Như vậy, sau hơn 4 năm đội đơn đi tìm cửa thoát, 4 năm gánh lãi vay 20 triệu/ngày, đến nay dường như Tập đoàn Đức Long Gia Lai mới thấy được “ánh sáng phía cuối đường hầm”.
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch phân bổ luồng, mở rộng tuyến bến xe phía Bắc, phía Nam, tiến hành xây dựng mở vành đai đường hành lang an toàn giao thông. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ DN vận tải quảng bá thương hiệu; mở tuyến xe buýt từ Bến xe trung tâm Đà Nẵng đến bến xe phía Nam. Cùng đó, những cơ chế, chính sách, kế hoạch ưu đãi, giảm giá phí dịch vụ… hỗ trợ DN vào khai thác hành khách tại bến xe phía Nam Đà Nẵng cũng được chính quyền địa phương tính đến, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.