Câu chuyện tượng đài
Chúng ta được biết, năm 2016, Tổng công ty Truyền tải quốc gia (EVNNPT - trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN) đã gây sốc khi tuyên bố sẽ bỏ ra 108 tỷ đồng để làm Đài vinh danh Công trình truyền tải điện 500 kV Bắc Nam.
Kế hoạch này đã bị EVN bác bỏ. Đó là một điều đáng mừng. Song, nhìn rộng hơn ngoài thực tế, nhiều công trình tượng đài đã và đang được xây dựng, có mức đầu tư từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng đã thể hiện bất cập trong công tác quy hoạch và xây dựng tượng đài.
Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam có tổng vốn đầu tư lên tới 411 tỷ đồng |
Ví dụ Cổng chào tỉnh Quảng Ninh (vốn đầu tư 198 tỷ đồng), dự án tháp Thái Bình (cao 126m, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng), rồi dự án xây dựng tượng đài có vốn đề nghị lên tới 1.400 tỷ đồng của tỉnh Sơn La, tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam, tổng vốn đầu tư lên tới 411 tỷ đồng…
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, hiện cả nước có khoảng hơn 400 tượng đài. Nhiều tượng đài tốn kém nhưng chất lượng thấp, nhanh xuống cấp. Nhiều tượng đài gây bức xúc từ khi lập quy hoạch cho đến khi xây dựng. Tiêu biểu như dự án xây dựng tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế ở Ninh Bình, với số vốn 1.500 tỷ đồng. Nếu để 1.500 tỷ đồng xây dựng trường học, bệnh viện, hay hỗ trợ cho trẻ em nông thôn thì sẽ thực tế hơn nhiều.
Phải khẳng định đất nước ta không phải là đất nước có truyền thống về tượng đài, mà theo nhiều kiến trúc sư (KTS) thì chỉ có truyền thống về tượng thờ. Song, việc xây dựng tượng đài là cần thiết, để tôn vinh những người có công với đất nước, ca ngợi truyền thống quý báu của dân tộc. Dẫu thế, xây dựng làm sao để vừa truyền thống, vừa giản dị, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương là điều mà các cơ quan chức năng phải tính toán đến.
Theo quan điểm của KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, nước ta còn nghèo nhưng lại xây dựng rất nhiều tượng đài trong một thời gian ngắn theo kiểu phong trào là điều không bình thường so với nhiều nước trên thế giới.
Liên quan đến lĩnh vực này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, tượng đài là một công trình mỹ thuật công cộng, phải được nhiều người thừa nhận. Nó phải vừa tương hợp với nhận thức của dân chúng vừa mang tính mỹ thuật cao, vừa có công năng sử dụng tốt. Gồm công năng mỹ thuật, mang tính lễ nghi của tín ngưỡng, mang tính văn hóa và các công năng giải trí, thậm chí là phục vụ cho du lịch.
Cứ áp vào các tiêu chí, thì tượng đài ở nước ta còn thiếu quá nhiều công năng. KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: “Trong hàng trăm tượng đài được xây dựng kia liệu có bao nhiêu tượng đài được gọi là tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, là điểm nhấn của đô thị và có tác dụng tuyên truyền, nâng cao thẩm mỹ cho nhân dân?”.
Sẽ tiếp tục còn những dự án xây dựng tượng đài nghìn tỷ nếu tư duy hoành tráng, thích phô trương và không ngoại trừ những toan tính mang màu sắc lợi ích nhóm không nằm trong “quy hoạch”. Sự lãng phí sẽ còn tiếp tục xảy ra, nếu những người lãnh đạo địa phương không nhìn vào thực lực, truyền thống văn hóa của địa phương, đất nước để đưa ra những quyết định đúng đắn cho việc lập quy hoạch tượng đài.
Chúng ta đã có những sai lầm khi nhiều tỉnh nghèo, trông chờ sự hỗ trợ từ trung ương, nhưng “chơi trội” hoang phí kiểu trọc phú. Xét đến cùng, tượng đài phải được kiến trúc và xây dựng trên tinh thần của cái tâm, thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật và dựa trên ý nguyện của nhân dân.