Đô la giảm giá do kỳ vọng đại dịch đạt đỉnh đã cải thiện khẩu vị rủi ro
Bạc xanh cũng chịu áp lực từ các biện pháp mạnh tay tăng cung đô la của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để nhà đầu tư có thể rút lui hoàn toàn khỏi các tài sản an toàn như tiền Mỹ khi mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng chưa được loại bỏ.
"Tiền từ Fed đổ ra như lũ, đây chính là nhân tố dẫn dắt các biến động của thị trường", Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường tại CMC Markets ở Sydney, nói.
"Trump chỉ làm rõ nét hơn sự tác động đối với đồng đô la khi nói rằng ông muốn dỡ bỏ các hạn chế, và đây là những gì thị trường muốn nghe, nhưng chúng ta sẽ không thể chắc chắn được với bất kỳ điều gì khi tác nhân quan trọng nhất nằm ở virus."
So với yên Nhật, đồng đô la giao dịch ở mức 107,11 JPY/USD tại thị trường châu Á sáng nay, gần với mức thấp nhất trong một tháng.
So với bảng Anh (GBP), đồng đô la đang được niêm yết ở mức 1,2626 USD/GBP, mức thấp nhất trong gần năm tuần.
Đô la cũng rất nhanh chóng giảm xuống mức giá 1,0994 USD/EUR (euro của châu Âu), mức thấp nhất trong hai tuần.
Trump hôm thứ Ba cho biết ông nói chuyện với các thống đốc của tất cả 50 tiểu bang và yêu cầu họ cho mở lại nền kinh tế trong thời gian phù hợp.
Số người hết do virus corona tại Mỹ đã giảm mạnh và các tiểu bang đang lên kế hoạch để cho phép doanh nghiệp trở lại hoạt động.
So với đồng tiền an toàn hơn là franc Thụy Sĩ (CHF), đô la giao dịch gần mức thấp nhất trong hai tuần tại 0,9597 CHF/USD - một dấu hiệu nữa cho thấy khẩu vị rủi ro được cải thiện.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích vẫn tỏ thận trọng, nhất là sau khi cố vấn về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Trump, cho rằng mục tiêu khởi động lại nền kinh tế của Tổng thống Mỹ bắt đầu từ ngày 1/5 là "lạc quan quá mức".
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đồng đô la là các hành động chính sách như hỗ trợ thanh khoản, dự phòng tín dụng và nới lỏng tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ đã được tung ra trong tháng qua nhằm ngăn chặn thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.
Fed đã bắt đầu một chương trình cho vay mới với quy mô khổng lồ từ ngày thứ Ba, với tất cả các biện pháp mà cơ quan này đã thực hiện cho đến nay, một "dòng lũ" đô la đã được giải phóng.
Đồng thời, tiền Mỹ cũng phải đối mặt với một thách thức nữa vào hôm nay, khi doanh số bán lẻ và chỉ số sản xuất công nghiệp được công bố, có khả năng sẽ cung cấp thêm bằng chứng về chi phí kinh tế của việc phong tỏa trên khắp đất nước.
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ giảm 3% trong năm nay do tác động từ dịch Covid-19, đánh dấu năm suy thoái mạnh nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết hôm thứ Ba.