Đô thị hóa bằng xây dựng thành phố thông minh
Động thổ dự án thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD | |
Quảng Ninh vận hành thí điểm Trung tâm điều hành thành phố thông minh | |
Xây dựng thành phố thông minh và một số khuyến nghị |
Mô hình thành phố thông minh
Hiện, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, với sự ra đời của ngày càng nhiều “siêu đô thị”. Theo dự báo của PwC, một trong những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, đến năm 2030, trên toàn cầu có 43 thành phố có dân số từ 10 triệu người trở lên. Riêng tại Việt Nam, theo số liệu của PwC, tốc độ tăng trưởng đô thị hóa đã được tăng nhanh từ 19,6% (2009) lên 36% (2018) và dự kiến là 45% vào năm 2020.
Để góp phần giảm áp lực của quá trình đô thị hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy việc xây dựng thành phố thông minh. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền. Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đã hợp tác với các đối tác công nghệ nhằm thiết kế, phát triển lộ trình thực hiện thành phố thông minh. Với kỳ vọng đây là giải pháp nền tảng để đối phó với những áp lực đó, nâng cao sức cạnh tranh cho từng đô thị. Trên thực tế, xu hướng xây dựng thành phố thông minh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Trong đó, việc lựa chọn công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực tài chính, đặc biệt hợp tác công tư (PPP) là một trong những phương thức tất yếu, cần thiết trong quá trình thực hiện.
Đà Nẵng đang đẩy mạnh xây dựng mô hình thành phố thông minh |
Tại TP. Đà Nẵng, trung tâm kinh tế ở khu vực miền Trung, việc xây dựng thành phố thông minh cũng là yêu cầu trong phát triển ở đây. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao cho Đà Nẵng tại Nghị quyết 43 ngày 24/1/2019 về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng phải “hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực Asean”.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, từ cuối năm 2018, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc tổng thể thành phố thông minh và phê duyệt Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định, chúng tôi xác định việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ chuyển quản lý, điều hành từ truyền thống qua dựa trên dữ liệu và công nghệ mà còn là một trong các dự án động lực trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Trên thực tế, ngoài việc kế thừa các cơ sở hạ tầng dữ liệu của Chính phủ điện tử, thành phố còn triển khai các ứng dụng thông minh đã triển khai từ năm 2014. Đến nay, TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai 53 dự án, với kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh đến năm 2025; đồng thời ký kết hợp tác xây dựng thành phố thông minh với nhiều đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước.
Cần coi trọng lợi ích người dân
Chia sẻ về định hướng xây dựng, phát triển thành phố thông minh trong thời gian tới, ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, như một công cụ giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ triển khai thành phố thông minh trên 6 trụ cột gồm: Giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh và công dân thông minh. Các giải pháp thực hiện sẽ tập trung giúp người dân được thụ hưởng các lợi ích thiết thực từ mô hình thành phố thông minh. Trong đó, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn có uy tín. Hiện, Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với 6 đối tác như: Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, Công ty cổ phần FPT, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội và một số ngân hàng như VietinBank, SeABank...
Theo các chuyên gia công nghệ, Đà Nẵng hiện có nhiều thế mạnh để ứng dụng thành công các giải pháp mới, công nghệ thông minh trong việc xây dựng thành công thành phố thông minh. Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tập đoàn TE-FOOD International cho rằng, TP. Đà Nẵng hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Bởi, đây là một thành phố có cơ sở hạ tầng tốt, quy hoạch bài bản, dân số không quá đông, đặc biệt là chính quyền thành phố rất quyết liệt và tập trung trong việc triển khai. Thành phố không nên chờ đợi một giải pháp hoàn hảo mà triển khai dần dần từng lĩnh vực, phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dân và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, dù tiếp cận ở góc độ nào thì chính quyền địa phương cũng luôn phải đặt con người là trung tâm của tất cả các giải pháp, giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm...
Tương tự, đồng quan điểm về việc coi trọng lợi ích của người dân, ông David Wong - Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) cho rằng, trong việc xây dựng thành phố thông minh, cần đặt người dân lên ưu tiên hàng đầu chứ không phải công nghệ. Khi triển khai bất kỳ công nghệ nào, chính quyền cũng phải bảo đảm người dân có cơ hội hiểu rõ, nắm được kế hoạch triển khai. Muốn vậy, chính quyền phải làm sao tuyên truyền hoặc có những chính sách để người dân hiểu rõ được vì sao phải lắp đặt camera giám sát để nhận diện xe cộ, khuôn mặt hay việc cung cấp thông tin cá nhân qua internet vào cơ sở dữ liệu chung. Bởi, chỉ có những cư dân thông minh, quản trị thông minh mới có thể làm nên thành phố thông minh.
Về nguồn nhân lực để hiện thực hóa việc xây dựng thành phố thông minh, nhiều chuyên gia đã góp ý cho TP. Đà Nẵng, bên cạnh những ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên nền tảng 4.0, sự tăng cường hợp tác giữa chính quyền với các doanh nghiệp tư nhân, trường đại học, viên nghiên cứu cũng đóng vai trò rất quan trọng. Sự hợp tác này chính là nền móng vững chắc cho nguồn nhân lực, việc ứng dụng các hỗ trợ thông minh trong nhiều lĩnh vực của thành phố trong tương lai...