Đổi rừng lấy điện, hiểm họa khó lường
Vùng lõi thành rừng nghèo?
Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (Đăk Lăk) có diện tích hơn 115.000ha chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng khộp. Đây cũng là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn loại rừng đặc biệt này. Cũng là nơi bảo tồn các hệ động, thực vật phong phú.
Nơi triển khai xây dựng nhà máy thủy điện Đrang Phôk là rừng với trữ lượng gỗ lớn |
Theo Ban quản lý VQG Yok Đôn, hiện VQG có gần 860 loài thực vật. Trong đó, có tới 116 loài cho gỗ với giá trị kinh tế cao như trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương... và có gần 500 loài động vật như 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng. Đặc biệt, có 17 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng…
Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học của VQG Yok Đôn đang bị đe dọa khi chủ đầu tư dự án thủy điện đang rục rịch khởi động công trình Nhà máy thủy điện Đrang Phôk tại vùng lõi. Dự án thủy điện Đrang Phôk nằm trên “bậc thang” cuối cùng của sông Sêrêpôk trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo thiết kế, nhà máy có công suất 26MW, dự định triển khai tại vùng lõi của VQG Yok Đôn, với tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng. Dự án do CTCP Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (TECCO) làm chủ đầu tư. Nếu dự án được triển khai xây dựng, công trình thủy điện Đrang Phôk sẽ trải rộng trên 3 tiểu khu 430, 431, 451. Đây là 3 tiểu khu nằm ngay khu trung tâm của VQG Yok Đôn thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.
Tháng 3/2016, chủ đầu tư dự án thủy điện Đrang Phôk vừa tổ chức hội thảo tham vấn các tác động môi trường và dự kiến khởi công vào cuối năm nay. Theo báo cáo của chủ đầu tư, dự án thủy điện chiếm tổng diện tích hơn 308ha, trong đó đất chiếm vĩnh viễn 303ha. Tuy nhiên, tổng diện tích đất rừng xin chuyển đổi chỉ 28,88ha; trong đó, rừng giàu 3,17ha; rừng trung bình hơn 11ha, còn lại là rừng nghèo.
Thế nhưng, khi cùng các cán bộ kiểm lâm của VQG Yok Đôn đi thực địa, chúng tôi hết sức bất ngờ bởi khu vực rừng được chủ đầu tư dự án thủy điện cho là rừng nghèo thì cây cối lại mọc um tùm, nhiều loài cây quý hiếm như hương, căm xe, đường kính gỗ có kích thước cả mét đang được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Trong khi, do nằm sâu trong vùng lõi nên dự án phải thiết kế một đường dây dài hàng chục kilomet băng qua rừng để truyền tải điện từ nhà máy ra khu vực hòa lưới điện quốc gia khi nhà máy đi vào hoạt động. Do đó, để xây dựng nhà máy và mạng lưới truyền tải buộc phải phá bỏ lượng gỗ khổng lồ với sản lượng gỗ lên tới hơn 1.200m3 và hơn 420m3 gỗ tận dụng cành ngọn.
Tác động khó lường
Theo ông Trần Tuấn Linh, Hạt phó Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn, khi công trình thủy điện Đrang Phôk xây dựng, việc trồng rừng thay thế sẽ không khả thi do đặc trưng của hệ sinh thái rừng khộp, rất nhiều diện tích rừng sẽ mất vĩnh viễn. Kéo theo đó, môi trường sống của các loài động vật thay đổi. Chưa kể nhiều kẻ xấu lợi dụng trà trộn để phá rừng.
Đồng quan điểm này, ông Đào Trọng Hưng - chuyên gia sinh thái - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, dự án thủy điện Đrang Phôk đã chuẩn bị từ rất lâu rồi, chúng tôi cũng đã có nhiều ý kiến phản đối từ lúc mới có quy hoạch. Về mặt pháp lý, chủ đầu tư không có cơ sở nào để triển khai xây dựng nhà máy tại khu vực vùng lõi của VQG Yok Đôn.
Là người trong cuộc, làm công tác quản lý thực tế tại đây nên ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc VQG Yok Đôn hiểu hơn ai hết về đặc trưng và giá trị của vườn. Theo ông Tùng, để xây dựng thủy điện Đrang Phôk phải đánh đổi quá lớn, những ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, cuộc sống của người dân sẽ không thể lường hết. Do vậy, chúng tôi không tán thành việc xây dựng thủy điện trong vùng lõi của VQG Yok Đôn.
Còn ông Trần Văn Khoa, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk) phân tích, hiện trên sông Sêrêpôk có 7 nhà máy thủy điện đã và đang xây dựng, chưa kể nhà máy thủy điện Đrăng Phôk. Việc xây dựng hàng loạt nhà máy thủy điện trên sông Sêrêpôk làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy, hệ sinh thái khu vực sông và các khu du lịch sinh thái.
Thế nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá tác động môi trường một cách toàn diện, khi hàng loạt nhà máy đã và đang xây dựng trên dòng sông này nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ các nhà máy thủy điện.
Về góc độ của chính quyền địa phương, ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) nêu thực trạng thực tế từ sự tác động tiêu cực của nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A đến đời sống người dân địa phương.
Ông Dũng cho hay, khi nhà máy thủy điện Sêrêpôk 4A đi vào hoạt động, địa phương phải chịu nhiều hệ lụy như mất đất sản xuất, khô hạn, du lịch sinh thái ảnh hưởng... Bây giờ nếu xây dựng thêm một nhà máy nữa thì đời sống của người dân tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
Đại diện Uỷ ban sông Mê Kông Việt Nam (thành viên của Uỷ ban hội sông Mê Kông) cho rằng, công trình này tác động đến tài nguyên nước và sinh kế cộng đồng lưu vực sông Mê Kông.
Đặc biệt, vị trí dự án nằm trên sông Sêrêpôk, đoạn gần biên giới trước khi chảy qua Campuchia về đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần phải có giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường cũng như đời sống người dân vùng hạ lưu.