Con người hòa hợp với thiên nhiên
Cho Thủ đô thêm xanh | |
Cây xanh và sắc màu đô thị |
Cùng với tuần lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5-6), chúng ta đang sống trong những ngày nắng nóng gay gắt của mùa hè năm 2017. Bên cạnh đó, dư luận cũng đang hoang mang khi nghe tin TP. Hà Nội đề xuất thay thế hàng nghìn cây xà cừ, vốn đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người dân suốt vài thập kỷ. Một lần nữa, chúng ta thấy cuộc sống cần lắm sự hòa hợp, cộng sinh với thiên nhiên.
Chặt cây thiếu tính toán, thành phố sẽ trở nên ngột ngạt |
Chọn cách sống cộng sinh
Không cần phải nói thêm, sông hồ và cây xanh là nét đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Điều ấy đã được khẳng định. Nét đặc trưng ấy, đâu chỉ làm nên hồn cốt, mà còn làm nên giá trị văn hóa, tinh thần, tạo nên hiệu ứng cảm xúc, sự sáng tạo trong con người Tràng An, cùng những người dân tứ xứ tề tựu về.
Một hàng cây mùa hạ, một chiếc lá rụng chiều thu, nhành liễu mùa đông hay cánh chim mùa xuân nơi thành phố cũng gợi lại biết bao nỗi niềm, cảm xúc, để từ đó sinh ra nhạc họa, thơ văn.
Nhưng thật phiền lòng. Môi trường đô thị Thủ đô đang bị đầu độc. Chưa cần nói đến sự xâm thực văn hóa, thì chính sự ô nhiễm đó đã cho thấy mức độ ảnh hưởng khủng khiếp tới lĩnh vực văn hóa tinh thần. Chúng ta thử hình dung xem, ao hồ ô nhiễm, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… ô nhiễm, làm sao còn những chiều lãng mạn để các họa sĩ thả hồn buông cành cọ, làm nên những nét vẽ sinh động.
Chúng ta thử hình dung, những ao hồ sực mùi khó chịu, cá chết hàng loạt, làm sao tạo cảm hứng để thành thơ thành nhạc, từ chính tâm hồn những người nghệ sĩ lãng đãng yêu biết bao thành phố này. Chúng ta đổ lỗi cho sự xâm thực từ thời tiết, tốc độ đô thị hóa và tăng dân số, nhưng những chứng cứ mà tôi có được, thì đô thị Hà Nội ô nhiễm còn do quản lý yếu kém, vô ý thức và chính cả từ sự đầu độc của con người sống trong đô thị ấy.
Tôi đã rùng mình khi thấy người ta lấn chiếm và đầu độc sông Nhuệ. Con sông sinh ra cả kho tàng văn hóa, tưới tắm cho những mùa màng tốt tươi ven đô, làm nên biết bao giá trị của các làng nghề, kết thành văn hóa sông hồ Thăng Long nghìn năm văn hiến bây giờ ô nhiễm thậm tệ.
Bạn cứ đi qua xã Tả Thanh Oai, đến làng cổ Cự Đà sẽ thấy. Hàng trăm trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ sông. Nước sông cạn trơ đáy với màu nước đen ngòm. Văn hóa làng cổ ven sông dường như không còn nữa, chỉ thấy sự nhếch nhác, nham nhở bởi sông không ra sông, làng chẳng ra làng mà phố thì chưa thành.
KTS Trần Huy Ánh từng thốt lên: “Không ai gieo trồng ở đó sự vững bền. Chúng ta đã lấy đi, ăn vào tự nhiên quá nhiều. Thiên nhiên đã cho chúng ta nhiều thứ, cả yếu tố môi trường và văn hóa. Nhưng khi con người lấy đi của thiên nhiên sự bình yên, thì trước tiên con người phải trả giá. Bởi thế, từ hàng cây trên phố, trong công viên, hay ở khuôn viên mỗi gia đình, thiên nhiên muốn chúng ta phải cộng sinh, tôn bồi và ôn hòa bên nhau”.
Vẻ lãng mạn từ những hàng cây bị mất dần |
Cái giá quá đắt
Trong những ngày nóng nực này, thấy nhiều người kêu cây trồng trên ban công, sân thượng chết khô. Rồi tôi cũng gặp gỡ những người kém duyên, trồng cây cảnh, cây xanh trang trí trên ban công, nhưng chẳng cây nào sống được. Họ thật sự không có duyên trồng cây. Tôi cũng biết, họ vô cùng kỳ công chăm sóc. Đi làm về, thậm chí bản thân chưa tắm thì đã cho cây uống nước. Nhưng cây vẫn không ở lại với họ.
Như thế để thấy, nhiều người cần môi trường ở cái ban công nhỏ, chăm sóc cho một môi trường nhỏ ở bên cạnh mình. Điều đó đúng lắm, nhưng đã phải là sống xanh chưa? Chưa. Cái lớn lao hơn là chúng ta cần bảo vệ môi trường lớn hơn là những rừng cây, những công viên, ao hồ, những con phố…
Chúng ta đã quên chăm sóc cho môi trường chung, mà ích kỷ bỏ rơi để đi chăm sóc cho một góc môi trường riêng. Càng ngẫm lời KTS Trần Huy Ánh, càng thấy tầm quan trọng của môi trường chung đối với con người.
Cái giá quá đắt là những gì chúng ta nhìn thấy khi con người đầu độc môi trường sống chung đã nhãn tiền. Một cái giá khác là văn hóa và bản sắc thì khó lòng đo đếm, nhưng rõ ràng, cái nóng bức và sự ngột ngạt đã khiến sự sáng tạo của con người bị giảm đi. Thiếu môi trường trong lành, bình an, con người trở nên tục tằn, cáu bẳn, lúc nào cũng chỉ lo đối phó với sự cực đoan của thời tiết.
Bởi thế, những người lo lắng cho môi trường thủ đô, văn hóa của đất ngàn năm văn hiến đã và đang từng ngày thực hiện các kế hoạch, tuyên truyền bảo vệ môi trường văn hóa Hà Nội. Mới đây nhất, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thiện với môi trường Thủ đô” nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng văn hóa môi trường.
Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam Nguyễn Ngọc Sinh cho biết: Điểm cốt lõi quan niệm về văn hóa môi trường bao gồm các tri thức, đạo đức, theo đó con người có thể xây dựng và điều chỉnh cách ứng xử, hành vi của mình trong quan hệ với môi trường xung quanh.
Một cái giá quá đắt mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là sự ngột ngạt và chất lượng môi trường thủ đô Hà Nội đang xuống thấp. Những ảnh hưởng của vấn đề này đối với văn hóa lại không thể thống kê hết. Nhưng chúng ta lo ngại nhiệt độ đô thị ngày càng cao hơn.
Chúng ta, có những người muốn “sống xanh” nhưng lại thiếu cây xanh. Nhất là cây xanh Hà Nội đã và đang bị chặt hạ vô tội vạ. Nếu chẳng may một ngày nào đó, hàng nghìn cây xà cừ đã thành cổ thụ, bị đốn hạ thiếu tính toán để thay vào đó là những cái cây con con, trụi lá, Hà Nội sẽ thiếu màu xanh. Chặt bớt cây, khi đó chỉ còn trơ lại những người là người, với các khối bê tông ngột ngạt vô hồn.
Như vậy thì tác động của sự việc đến đời sống con người sẽ khó lường. Cây ở đâu chẳng có, nhưng cây đã thành tâm hồn Hà Nội, thành kho tàng ký ức thì phải cần đến hàng thập kỷ tôn bồi. Mỗi quyết sách đối với môi trường, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đánh giá tác động đến không chỉ là mỹ quan đô thị, môi trường, mà hơn thế là không gian văn hóa của thành phố hàng triệu dân.