Động lực phát triển từ các dự án hạ tầng giao thông
Triển khai 7 dự án trọng điểm
UBND TP.Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình triển khai 7 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố trong năm 2022 và giao cho các sở, ban ngành phối hợp triển khai thúc đẩy tiến độ đầu tư và kêu gọi đầu tư. Theo đó, các dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Dự án di dời ga đường sắt (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp nhà ga hành khách T1 - Sân bay Quốc tế Đà Nẵng; Dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam); Dự án nâng cấp QL 14B; Dự án nâng cấp, mở rộng QL14G và Dự án nâng cấp, mở rộng QL14D.
Đà Nẵng là thành phố nổi tiếng với những chiếc cầu |
Đối với Dự án di dời ga đường sắt (giai đoạn 1), Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang chọn nhà tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022. Hiện UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi Trung ương, đề xuất đưa dự án vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải đưa dự án vào danh mục triển khai giai đoạn 2021 - 2030 của đồ án Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia. Trong khi đó, Dự án nâng cấp nhà ga hành khách T1 - Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, đơn vị tư vấn đang tiếp thu ý kiến của Sư đoàn không quân 372, Nhà máy A32, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Đồng thời, cập nhập, hoàn chỉnh nội dung theo đồ án Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay Việt Nam đang được Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đơn vị tư vấn sẽ hoàn chỉnh báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng thông qua để làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông - Vận tải. Với Dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam), thành phố đã bố trí vốn nghiên cứu và giao Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng chuẩn bị, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022.
Đối với dự án cải tạo, nâng cấp QL14B qua địa bàn Đà Nẵng, Bộ Giao thông - Vận tải bố trí hơn 430 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để đầu tư cải tạo nâng cấp. UBND TP. Đà Nẵng bố trí 345,6 tỷ đồng từ ngân sách địa phương đầu tư cho hạng mục mở rộng. Dự án nâng cấp, mở rộng QL14G, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải ưu tiên đưa công trình vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Riêng Dự án nâng cấp mở rộng QL14D, hiện đã có trong danh mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 của đồ án Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Sở Giao thông - Vận tải hai địa phương là Đà Nẵng và Quảng Nam đang phối hợp làm việc với các bộ ngành Trung ương để sớm có chủ trương đầu tư, đề xuất ưu tiên đưa công trình vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện Chương trình số 41-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về triển khai "Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước", thành phố sẽ tiến hành quy hoạch và kêu gọi đầu tư hạ tầng để hình thành các trung tâm logistics. Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông - Vận tải TP. Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết, từ nay đến năm 2030, sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gồm: Trung tâm Logistics Cảng Liên Chiểu, Trung tâm Logistics Hòa Nhơn, Trung tâm Logistics đường sắt Đà Nẵng, Trung tâm Logistics Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng và Trung tâm Logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, năm 2022 được Đà Nẵng chọn làm "Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội". Theo đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là đầu tư các dự án hạ tầng giao thông vận tải và xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) có tổng mức đầu tư hơn 720 tỷ đồng, dự kiến ngày 29/3/2022 sẽ khánh thành và đưa vào khai thác |
Theo đó, vốn đầu tư công đã được công bố, năm 2022, thành phố được phân bổ hơn 7.880 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực vốn đầu tư các dự án công trình giao thông hơn 1.529 tỷ đồng, với 66 công trình. Đặc biệt, dự án bến cảng Liên Chiểu được đầu tư 503 tỷ đồng để khởi công trong năm. Năm 2022, Đà Nẵng sẽ thực hiện đầu tư mới và hoàn thành 30 công trình với tổng vốn hơn 532 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là các dự án: tuyến đường 19,5m nối từ đường quy hoạch khu dân cư Phần Lăng 2 đến đường Trường Chinh; cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý; tuyến đường ven sông Cầu Đỏ - Túy Loan cùng hệ thống thoát nước - cây xanh tuyến đường Cầu Đỏ - Túy Loan; nâng cấp cải tạo tuyến đường ĐT 601; cải tạo nâng cấp tuyến đường Võ Duy Ninh. Các dự án bãi đỗ xe số 255 Phan Châu Trinh (giai đoạn 2); bãi đỗ xe số 166 Hải Phòng; cải tạo tuyến đường Ngô Quyền và Ngũ Hành Sơn…
Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án hướng dẫn “hoạt động thi công xây dựng trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. Đây là cơ sở để các dự án, công trình giao thông bảo đảm tiến độ thi công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Thời gian qua, Đà Nẵng thực hiện đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại, mở rộng không gian đô thị, kết nối hiệu quả với các trục quốc lộ và khu vực lân cận. Qua các dự án hạ tầng giao thông đã được triển khai và hoàn thành, đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 2.440 tuyến đường với tổng chiều dài 1.436,63 km (tăng 265,59 km so với đầu năm 2015) và 74 cầu với tổng chiều dài 14.961,50 m (tăng 3 cầu với so với đầu năm 2015). Đặc biệt, các công trình giao thông quan trọng đã được đưa vào sử dụng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội và có ý nghĩa động lực cho cả khu vực như: Nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đường Hồ Chí Minh (La Sơn - Túy Loan); tuyến đường vành đai phía Nam (Hòa Phước - Hòa Khương); đường Nguyễn Tất Thành nối dài; tuyến đường gom dọc đường sắt từ Ngã ba Huế đến Hòa Cầm; đường Mai Đăng Chơn - giai đoạn 2…
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chia sẻ, hạ tầng giao thông là một trong những niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Giao thông với nhiệm vụ “đi trước mở đường” đã hoàn thành xuất sắc vai trò là “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo thành phố, thúc đẩy mở rộng, phát triển khu vực đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn theo hướng bền vững. Sự phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông thành phố trở thành động lực quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố. Cùng với đó, việc hình thành các trục, đầu mối giao thông quan trọng về vận tải và trung chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế đã góp phần xây dựng Đà Nẵng đã trở thành đầu mối giao thông quan trọng, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.