Động lực tăng trưởng đang đối mặt với nhiều rủi ro
Cung sẽ khó khăn
Bên cạnh những yếu tố, động lực tích cực giúp cho tăng trưởng kinh tế ở mức rất cao trong quý III và 9 tháng vừa qua, có thể thấy vẫn còn nhiều rủi ro không nhỏ đang hiện hữu và có thể trở thành những vấn đề lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 1/4 chặng đường còn lại của năm nay cũng như năm 2023.
Nhìn từ phía cung, dù sản xuất công nghiệp dần phục hồi, tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, với Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,6% của cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, IIP 9 tháng vừa qua của một số ngành tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước (các ngành như sản xuất giường, tủ, bàn ghế; dệt; sản xuất kim loại; sản phẩm từ cao su và plastic...) và tỷ lệ tồn kho của công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đang ở mức cao, cho thấy những chỉ dấu đáng quan ngại.
Xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ khó khăn hơn trong những tháng tới do kinh tế thế giới suy yếu |
Tại hội thảo Triển vọng thị trường Việt Nam do HSBC tổ chức gần đây, ông Alain Cany - Chủ tịch EuroCham nhận định, giá năng lượng tăng đột biến và đứng ở mức cao đã đẩy giá hàng hóa thế giới lên cao, cộng thêm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Các mặt hàng tiêu dùng, dệt may, linh kiện điện tử… ngày càng trở nên đắt đỏ và khan hiếm nguồn cung hơn.
“Các nước đang phát triển chú trọng sản xuất xuất khẩu như Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những áp lực này”, ông Alain Cany nói và cho rằng, nhiều khả năng những tác động như vậy sẽ ngày càng nghiêm trọng và gia tăng khi chiến sự tại Ukraine kéo dài.
Bên cạnh đó, với gần 55% nguyên liệu thô và phụ kiện của Việt Nam dùng trong dệt may và da giày được nhập khẩu từ Trung Quốc (theo Bộ Công thương) nên chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chiến lược “zero COVID”, kéo theo tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ứng thì Việt Nam còn gặp khó khăn trong việc thu mua các nguyên liệu đầu vào thiết yếu như linh kiện điện tử, phụ tùng máy móc, vải vóc và hóa chất…
“Thực tế này đe dọa tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam”, Chủ tịch EuroCham cảnh báo.
Trong khi đó về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dù số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đạt hơn 163 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước, tức bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, thì số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng lên tới 62,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,7%; 36,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 12,1%; 13,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 8%. Như vậy bình quân một tháng cũng có tới 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này cho thấy ở không ít lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực thương mại có sự tăng trưởng ấn tượng do các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn có ba ngành dịch vụ có quy mô nhỏ hơn khi so sánh với 9 tháng năm 2019 - năm trước dịch Covid. Đó là dịch vụ lưu trú, ăn uống (giảm -4%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm -4,2%); và hoạt động dịch vụ khác (giảm -3%),
Cầu càng nhiều thách thức
Nhìn từ phía cầu, cho dù ba cấu phần của “cỗ xe tam mã” (gồm tiêu dùng cuối cùng; đầu tư; và xuất khẩu) đều ghi nhận có sự tăng trưởng cao, song cũng không phải không còn những quan ngại. Đơn cử, trong khi du lịch nội địa đã hoàn toàn phục hồi thì lượng khách quốc tế trong 9 tháng năm 2022 mới chỉ bằng 15% so với cùng kỳ năm 2019; dịch vụ du lịch lữ hành giảm 44,1%; vận tải hành khách giảm 24,5% về vận chuyển và giảm 28,5% về luân chuyển so với cùng kỳ 2019.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: cần kiên trì, nhất quán, xuyên suốt, ưu tiên mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác. |
Về đầu tư, đáng lưu ý là vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần chỉ đạt 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn và có thể sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của nền kinh tế, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh (chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho xây dựng 9 tháng 2022 tăng 8,96% so với cùng kỳ) đã ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện vốn đầu tư công.
Đã có tình trạng nhà thầu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu hạ nhiệt, nhất là những nhà thầu ký hợp đồng với đơn giá cố định. Đây cũng là một trong những yếu tố có thể khiến giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm như thời gian vừa qua, trong khi đây được xem là động lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
Đà tăng của xuất khẩu hàng hóa cũng đã chững lại trong những tháng gần đây với số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm, tồn kho gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, trước nguy cơ nhiều nước phát triển rơi vào suy thoái ngày càng rõ nét thì xuất khẩu sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ trong những tháng tới.
Điều đáng lo hơn là song hành cùng các yếu tố không tích cực từ cả phía cung và cầu như vậy là áp lực lạm phát. Dù lạm phát trong nước đang ở mức thấp và gần như chắc chắn nằm trong tầm kiểm soát theo mục tiêu đặt ra, nhưng xu hướng lạm phát cao dần lên và quan trọng là luôn “trực chờ” bùng phát. Chính yếu tố “trực chờ” như vậy đang gây khó cho các nhà điều hành.
Đã có không ít ý kiến cho rằng, với lạm phát thấp và chắc chắn nằm dưới mục tiêu trong năm nay, cần mạnh mẽ nới lỏng hơn cả về tiền tệ (trong đó có tín dụng) lẫn tài khóa để thúc đẩy các động lực tăng trưởng. Nhưng những gì đang diễn ra tại các nền kinh tế lớn hiện nay, đặc biệt là việc ngân hàng trung ương các nước phải thắt chặt mạnh tiền tệ để đối phó với lạm phát cao (mà đến nay cũng chưa đạt mục tiêu) chính là bài học nhãn tiền cho chúng ta trong việc không được lơ là, chủ quan với lạm phát.
Bản thân Việt Nam cũng đã có những bài học lớn trong quá khứ. Việc "thả" lạm phát lên quá cao để có được tăng trưởng kinh tế cao hơn trong ngắn hạn luôn đi kèm với sự trả giá và những hệ lụy lớn hơn sau đó, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nói chung, và đến từng người dân, doanh nghiệp nói riêng. Vì vậy, việc hành xử đúng mực với các áp lực lạm phát hiện nay, không để kinh tế vĩ mô rơi vào bất ổn phải luôn là ưu tiên hàng đầu.
Bàn về phương hướng điều hành chính sách những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính sách tiền tệ cần đặt trọng tâm vào kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp. Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, chính sách tài khóa, chính sách thương mại và các chính sách khác sẽ là yếu tố quyết định đến phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi, kế hoạch đầu tư công năm 2022, phấn đấu giải ngân 95 - 100% kế hoạch vốn đã giao.