Dự báo CPI tháng 5 ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ
Ảnh minh họa |
Cục Quản lý giá cho biết, theo quy luật hàng năm, có một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá tháng 5 như: thời tiết chuyển mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hoá có khả năng tăng nhẹ.
Trong khi với năm nay, do độ trễ của kỳ tính giá nên đợt nghỉ lễ dài ngày dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và kỷ niệm 30/4, 1/5 vừa qua được tính trong kỳ tính chỉ số giá tháng 5. Theo đó một số hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vận tải hành khách, du lịch…) chịu sức ép tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng, sẽ tác động đến chỉ số giá tháng 5.
Tuy nhiên, do cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá, nên Cục Quản lý giá dự báo, mặt bằng giá thị trường tháng 5 ổn định hoặc có thể tăng nhẹ so với tháng 4.
Cũng theo dự báo của Cục Quản lý giá, giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... đều ổn định, thậm chí có mặt hàng còn giảm nhẹ. Đáng chú ý giá một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi được dự báo sẽ giảm trong tháng 5.
Trong nhóm giá cả hàng hàng được dự báo tăng giá, chỉ có mặt hàng đường và xăng dầu. Theo Cục Quản lý giá, sản lượng đường trong nước tháng 4 giảm hơn tháng 3 do có một số nhà máy đường sẽ kết thúc vụ trong tháng 4, nhưng vẫn ước đạt 200.000 tấn/tháng. Do bắt đầu vào mùa hè, sản xuất mía đường đã bước vào những tháng cuối vụ, nhu cầu tiêu dùng đường sẽ tăng, do đó dự báo giá đường trong nước tăng nhẹ trong tháng 5.
Khác với dự báo giá gas thế giới và trong nước có thể ổn định trong tháng 5, thì giá xăng, dầu thành phẩm thế giới trong tháng này tiếp tục biến động khó lường, và có thể tiếp tục tăng so với hiện nay.