Dùng kiểm toán để khơi dòng tín dụng hợp tác xã
Chủ động kiểm toán để hợp tác và vay vốn
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Giám đốc hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Quới (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), để hoàn thiện hồ sơ tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), đơn vị này đã chủ động thuê dịch vụ kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán. Sau kiểm toán, HTX Mỹ Quới đã được dự án VnSAT tài trợ vốn để xây dựng nhà kho 800m2 với sức chứa 1.000 tấn lúa, đơn vị cũng hoàn thành xây 2 cống đập, 1 trạm bơm và 1 trạm cấp điện cho cánh đồng gần 450 ha.
Tương tự, ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu tại Long An cho biết, ba năm vừa qua, để mở rộng liên kết với các DN trong đề án “Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm thanh long bền vững”, HTX này đã thực hiện kiểm toán độc lập. Sau kiểm toán, hồ sơ tài chính của đơn vị rất minh bạch. Từ đó, hoạt động ký kết hợp tác với các DN chế biến và xuất khẩu nông sản rất thuận lợi. HTX đã đăng ký thành công nhãn hiệu hàng hóa độc quyền đi 5 thị trường quốc tế. Đồng thời cũng đã được một chi nhánh Agribank tại Long An cam kết tài trợ vốn tín dụng phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu chế biến xuất khẩu thanh long và các sản phẩm từ thanh long.
Minh bạch sức khỏe tài chính giúp các HTX tăng cơ hội tiếp cận vốn vay |
Theo ông Trần Văn Cứng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang, việc các HTX chủ động thuê đơn vị kiểm toán độc lập bên ngoài để kiểm toán nhằm đáp ứng các yêu cầu về hợp tác sản xuất - xuất khẩu hoặc tăng cơ hội vay vốn từ các quỹ tài chính, NHTM ngày càng phổ biến. Nhiều HTX kiểu mới ở An Giang hiện tham gia các chuỗi giá trị lúa gạo cũng đã thuê kiểm toán hai năm một lần. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, do Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật HTX cũng chưa có quy định cụ thể về hoạt động kiểm toán, mà mới chỉ dừng lại ở mức “khuyến khích HTX thực hiện kiểm toán nội bộ” (Điều 22/Nghị định 193/2013-PV) nên về cơ bản vẫn chưa có nhiều HTX chú trọng hoạt động kiểm toán tài chính, mà chủ yếu vẫn chỉ kiểm toán theo yêu cầu của hợp đồng hợp tác hoặc khi HTX muốn tái cấu trúc, tham gia các dự án, mở rộng sản xuất kinh doanh...
Tăng minh bạch sẽ nâng được hạn mức
Ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, để nâng cao tính minh bạch về tài chính đối với khu vực kinh tế tập thể, sắp tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bổ sung vào dự thảo Luật HTX sửa đổi một chương riêng về kiểm toán HTX. Trong đó, sẽ quy định cụ thể về: phạm vi kiểm toán, tần suất, hình thức, chủ thể và giá trị kiểm toán. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu phân loại các HTX theo quy mô để áp dụng kiểm toán một năm/lần với HTX lớn, 4-5 năm/lần với HTX nhỏ và có thể không phải kiểm toán với HTX siêu nhỏ”, ông Chí cho biết.
Đối với việc chọn lựa một hình thức kiểm toán phù hợp với khu vực kinh tế tập thể tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải Yến - Chuyên gia thuộc Liên đoàn HTX Raiffeisen (CHLB Đức) cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên áp dụng mô hình kiểm toán nội bộ. Theo đó, có thể thành lập Trung tâm kiểm toán trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam với khách thể là các HTX thành viên. Các khảo sát của Raiffeisen, thực hiện tại gần 50 HTX ở nhiều địa phương cho thấy, việc đưa kiểm toán vào áp dụng với HTX đã hỗ trợ mở rộng hợp tác sản xuất kinh doanh và tăng cơ hội tiếp cận vốn vay rất đáng kể. Tuy nhiên, kinh phí để thuê kiểm toán độc lập là khá cao so với tiềm lực của các HTX. “Vì vậy, khi thành lập Trung tâm kiểm toán HTX thì cũng cần xây dựng cơ chế cho phép ngân sách (trung ương và địa phương) có thể hỗ trợ các đơn vị kinh tế tập thể về kinh phí kiểm toán”, bà Yến đề xuất.
Riêng từ góc độ các NHTM, theo đại diện một số chi nhánh Agribank tại các tỉnh thành phía Nam, nếu hoạt động kiểm toán được triển khai phổ biến ở nhiều HTX thì bản thân các HTX sẽ chuẩn hóa được các mô hình quản trị về kế toán, tài chính, vốn góp… Từ đó giảm thiểu tối đa các nguy cơ thua lỗ, kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời gia tăng được các nguồn lực tài chính (như vốn, tài sản, phương án kinh doanh khả thi…), giúp các TCTD có nhiều niềm tin và nhiều chọn lựa hơn trong hoạt động hợp tác, tài trợ vốn.
Ông Trần Kiến Trúc - Trưởng phòng Dịch vụ Maketing Agribank chi nhánh Tây Ninh cho rằng, khi các HTX được kiểm toán, minh bạch các thông tin về tài sản, báo cáo tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh thì sẽ giúp các TCTD tăng được niềm tin khi tham gia tài trợ vốn, nhất là các khoản vay tín chấp sẽ có cơ hội tăng hạn mức lên.
Cụ thể hơn, ông Hoàng Lê Duy - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, hiện hầu hết các khoản cho vay đối với các HTX đều là cho vay tín chấp hoặc thế chấp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, tài sản thế chấp của các HTX không nhiều nên khả năng vay cũng hạn chế. Do đó, nếu các HTX có tài chính minh bạch hơn, vốn điều lệ tăng nhiều hơn, các hợp tác kinh doanh được mở rộng hơn sẽ tạo điều kiện để ngân hàng tăng các hạn mức cho vay tín chấp hoặc cho vay dựa trên quản lý doanh số dòng tiền bán hàng.
Duy trì các ưu đãi tín dụng cho HTX Nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể trong đó có các mô hình HTX, hiện nay ngành Ngân hàng vẫn đang duy trì chính sách ưu đãi lãi suất và khuyến khích tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này. Cụ thể, hiện nay các HTX và Liên hiệp HTX được TCTD cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 1-3 tỷ đồng. Các HTX ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70%-80% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết. Ngoài ra, NHNN cũng đang quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn 4,5% đối với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao, trong đó các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nằm trong diện ưu tiên vay vốn lãi suất thấp. |