Chỉ thị số 40-CT/TW - Củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội (Bài 1)
Bài 1: Điểm tựa cho người hoàn cảnh khó khăn
Qua quá trình thực hiện, các chương trình tín dụng chính sách xã hội ngày càng được mở rộng với chất lượng, hiệu quả hoạt động được đảm bảo, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Xuất hiện mô hình phát triển kinh tế
Qua hướng dẫn của cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Hưng, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Văn Trứ, ngụ ấp Ông Lẹt, xã Vĩnh Thuận. Đây là gia đình cách đây 2 năm, được tổ tiết kiệm và vay vốn, UBND xã xét duyệt cho vay vốn từ Ngân hàng chính xã hội theo chương trình tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, số tiền vay 100 triệu đồng, với thời hạn vay 60 tháng. Đến nay, cuộc sống của gia đình ông Trứ ổn định và các phương tiện, nội thất trong nhà được mua sắm đầy đủ hơn.
Không giấu được niềm vui, ông Trương Văn Trứ, chia sẻ: sinh ra và lớn lên tại vùng đất Đồng tháp mười - vùng đất trũng phèn, nước ngập úng nên gặp khó khăn trong trồng lúa. Mặc dù gia đình ông Trứ cật lực canh tác trên mảnh đất hơn 1 hécta, nhưng vẫn không đủ ăn. Cách đây 2 năm, nhờ 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, ông chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bông súng nước. Đây là loài cây dễ trồng, ít sâu bệnh và có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện tự nhiên của vùng nước ngập. Bông súng nước là loại thức ăn khoái khẩu của người dân miền tây, với nhiều món chế biến như gỏi bông súng nước; bông súng nước luộc, xào; canh chua, dưa chua bông súng nước;…
Mô hình trồng bông súng nước của gia đình ông Trương Văn Trứ |
Thời gian trồng bông súng đến thu hoạch, chỉ 3 tháng và cho thu hoạch quanh năm. Cách 3 ngày một lần, ông Trứ thu hoạch từ 150-200 kg, với giá 4.000-5.000 đồng/kg và thu về 600.000-1.000.000 đồng. “ Nhờ được vay vốn để trồng bông súng, cuộc sống gia đình tôi càng thêm khá giả. Hiện năm thành viên trong gia đình, từ trẻ em đến người già, đều có thể tham gia vào các khâu như thu hoạch, rửa, chế biến. Điều này, giúp tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình, giảm thiểu chi phí thuê nhân công bên ngoài và tăng hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Trứ cho biết thêm.
Hay như mô hình cà na sấy dẻo của chị Trần Thị Ngọc Lan, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Nhờ nguồn vốn 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, chị Lan đã xây dựng thành công thương hiệu chế biến thực phẩm Ngọc Lan và sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến.
Chị Lan cho biết, gia đình chị trước đây có thu nhập trung bình, phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, năm 2019 đại dịch COVID 19, cùng với sự biến đổi khí hậu và những thách thức về thị trường, chị Lan thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thu nhập ổn định. Sau thời gian tìm hiểu mô hình sản xuất, chị Lan, được biết trái Cà na vốn có vị chua, chát và là một loại cây dễ trồng. Cây thường sống tự nhiên dọc theo các kênh, rạch để làm một món ăn vặt cho người dân.
Cơ sở cà na sấy của chị Trần Thị Ngọc Lan |
Nghĩ là vậy, nhưng đối với chị Lan lúc này, việc đầu tư vào mô hình cà na sấy dẻo đòi hỏi phải có vốn ban đầu. Qua nắm tình hình, Hội phụ nữ xã Vĩnh Bình biết chị Lan đang rất cần vốn khởi nghiệp và giới thiệu chị gia nhập tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại đây, chị Lan vay được bình xét cho vay số tiền 100 triệu đồng để đầu tư cho việc mua sắm thiết bị, máy móc sản xuất. Đến nay, chị Lan đã được tiếp cận các kỹ thuật sấy dẻo hiện đại, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hơn. Năm 2022, sản phẩm cà na sấy dẻo của chị Lan được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Doanh thu trung bình mỗi tháng khoảng 80 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, chị Lan lãi hơn 24 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình Lan được tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho 10 người dân tại địa phương.
Ông Phan Trọng Trinh –Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Vĩnh Hưng, cho biết, là 1 trong những huyện vùng đồng tháp mười, tỉnh Long An, người dân huyện Vĩnh Hưng đa số phụ thuộc nông nghiệp. Thời gian qua, lãnh đạo huyện chỉ đạo tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi để mang lại kinh tế. Theo tinh thần đó, ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tham mưu UBND, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội huyện ưu tiên phân bổ các nguồn vốn ưu đãi cho các địa bàn thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng khác, với số tiền hơn 130 tỉ đồng. Kết quả, hầu hết người vay vốn đều chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả, có thu nhập cao. Trong thời gian tới, Ngân hàng chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính quyền địa phương, các Hội đoàn thể nhận ủy thác để hỗ trợ các nguồn vốn cho bà con chuyển đổi cây trồng, góp phần ổn định cuộc sống trong thời gian tới.
Biến ước mơ thành hiện thực
Chị Võ Thị Lộc, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, hiện có 2 người con gái đang lao động tại nước Nhật. Hàng tháng, các con của chị gửi tiền về vừa giúp gia đình chi phí trong sinh hoạt, vừa trả lãi ngân hàng, không phải lo lắng, chạy vạy lo cơm áo, gạo tiền so với trước đây.
Chị Võ Thị Lộc, tâm sự: Mang tiếng vùng đồng tháp mười đất đai trù phú, nhưng gia đình chị lại không có đất canh tác, phải ở nhờ nhà cha, mẹ chồng. Thế là 2 vợ chồng phải đầu tắt, mặt tối đi làm thuê, cuốc mướn để nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Thấy gia đình túng thiếu, 2 người con gái của chị thầm ước ao được xuất khẩu lao động với mong muốn giúp đỡ gia đình thoát nghèo. Nhiều đêm, vợ chồng chị trăn trở, suy tư nghĩ cách làm sao cho con được toại nguyện.
Cuộc sống của chị Võ Thị Lộc –Bìa trái, được ổn định hơn |
Một hôm tình cờ, chị Lộc nghe thông tin từ Hội phụ nữ xã tuyên truyền về chương trình cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chị tìm đến ngân hàng chính sách xã hội huyện và được hướng dẫn chu đáo, tận tình với thủ tục đơn giản. Cuối cùng, tiền chị vay được cộng với số vốn dành dùm, hai người con của chị cũng được sang Nhật làm việc. “Nhờ nguồn vốn vay ngân hàng, tôi rất mừng vì đã có điều kiện chăm lo cho con. Rất mong ngân hàng tiếp tục hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như tôi để phát triển kinh tế”, chị Võ Thị Lộc, chia sẻ thêm.
Còn em Võ Ngọc Cẩm Nhung, ngụ xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà không có ruộng đất canh tác, cha bỏ ra đi khi Cẩm Nhung chưa kịp chào đời, mẹ lại bị mắc bệnh ung thư máu phải lo cho em ăn học. Được ông ngoại cho mảnh đất, hai mẹ con xây và sống trong căn nhà nhỏ chỉ hơn 30 m2. Năm nay, Cẩm Nhung là sinh viên năm thứ 3 của một trường Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Cẩm Nhung cho biết, nhờ Đoàn Thanh niên xã hướng dẫn vay vốn chương trình Học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp em có tiền trang trải chi phí để tiếp tục học tập. Nếu không có nguồn vốn này, Nhung phải nghỉ học, trong khi học lực của em suốt 12 năm liền là học sinh giỏi. Cẩm Nhung cảm ơn Đảng, Nhà nước, ngân hàng Chính sách xã hội đã quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, kịp thời hỗ trợ các học sinh nghèo như em có điều kiện tiếp tục đến trường.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Long An, cho biết, thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đạt được những kết quả đó là nhờ được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong hỗ trợ cơ sở vật chất; chỉ đạo các cấp các ngành liên quan phối hợp triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt là ưu tiên, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cùng với nguồn vốn Trung ương đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Bên cạnh đó, ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Long An còn được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương và sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đạt hiệu quả cao, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.