FD 2024 - cơ hội hợp tác để phát triển bền vững
Muốn duy trì tăng trưởng phải chuyển đổi công nghiệp
Theo ông Phan Văn Mãi, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP. Hồ Chí Minh và các đô thị trên toàn thế giới. Trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, chúng ta buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định sẽ kết nối hợp tác trao đổi và học hỏi các giải pháp để chuyển đổi công nghiệp thành phố |
TP. Hồ Chí Minh cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Theo số thống kê, hiện tại tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của Thành phố. Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030, qua đó không chỉ duy trì sự đóng góp của Thành phố vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu của Thành phố trong cả nước và khu vực.
Hiện nay, thị trường quốc tế đang hướng tới các phương thức sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn. Theo báo cáo của McKinsey & Company, khoảng 70% các công ty đa quốc gia đã cam kết cắt giảm ít nhất 25% lượng khí thải carbon của mình vào năm 2030. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn, gắn kết thương mại với phát triển bền vững. Do đó, để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này.
Để ứng phó với những thách thức này, TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và Dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm. Mục tiêu của Thành phố là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
Thành phố cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh, và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Hợp tác cơ hội để chuyển đổi
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển" thể hiện tư duy nhạy bén, nắm bắt trúng và đúng những xu thế phát triển của thời đại, những yêu cầu đặt ra đối với TP. Hồ Chí Minh cũng như các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế của các nước trên thế giới. “Đây cơ hội quý báu để thành phố và các thành phố kết nghĩa cùng thảo luận và tăng cường hợp tác, vì sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi quốc gia và cộng đồng thế giới trong nhiều thập kỷ tới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Minh cho rằng FD 2024 là cơ hội quý báu để thành phố và các thành phố kết nghĩa cùng thảo luận và tăng cường hợp tác |
Nhận định về về cơ hội để công nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi, ông Komura Masahiro, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho rằng hiện nay, Việt Nam là quốc gia quan trọng để Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chính vì thế, Nhật Bản đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực số giữa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam bắt tay nhau đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất; đối với chuyển đổi xanh, Nhật Bản đã có khoảng 90 dự án giảm thải Carbon đang áp dụng tại Việt Nam… Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ hợp tác với Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng để phát triển nhân sự, những người Việt Nam trẻ sẻ tiếp thu những kỹ năng mới thông qua làm việc và học tập tại Nhật Bản, sau đó trở về Việt Nam để áp dụng những đổi mới sáng tạo…
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, ông Stefano Lo Russo, Thị trưởng Thành phố Torino, Ý cho biết con đường chuyển đổi công nghiệp và sinh thái của Torino có thể thực hiện được nhờ vào cuộc đối thoại thường xuyên giữa hành chính công, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục. Sự hiện diện của những tổ chức xuất sắc như Politecnico di Torino đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dự án đổi mới trong các lĩnh vực chiến lược như công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo và năng lượng bền vững. Torino là một trung tâm đổi mới quốc tế trong lĩnh vực ô tô, với truyền thống công nghiệp lâu đời, tiếp tục dẫn đầu quá trình chuyển đổi theo hướng di chuyển bằng điện và bền vững. Hơn nữa, các nghề mới đang được phát triển như du lịch và văn hóa, cũng nhờ vào sự thúc đẩy của Thế vận hội Mùa đông Olympic 2006 và các sự kiện quốc tế lớn.
Các đại biểu lãnh đạo của các thành phố trên thế giới góp ý để hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trong việc chuyển đổi công nghiệp để phát triển và tăng trưởng kinh tế. |
“TP. Hồ Chí Minh, một đô thị lớn và sôi động cũng đang phải đối mặt với những thách thức về tăng trưởng đô thị và tính bền vững. Do đó, việc cùng nhau hợp tác giải quyết những vấn đề này, trao đổi kiến thức và giải pháp, không chỉ củng cố mối quan hệ của chúng ta mà còn tạo ra những cơ hội phát triển mới cho lãnh thổ của chúng ta và cho giới trẻ. Thông qua các dự án chung, chúng ta có thể giải quyết thành công quá trình chuyển đổi sinh thái và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững”, ông Stefano Lo Russo nói.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), có khoảng 60% sáng kiến chuyển đổi công nghiệp thành công là kết quả của sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân, cả trong và ngoài nước. Đó là lý do FD 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dù đó là việc chuyển giao công nghệ, đầu tư vào hạ tầng xanh và kỹ thuật số, hay thúc đẩy liên kết, liên doanh trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, chúng ta đều có rất nhiều cơ hội để hợp tác và thúc đẩy phát triển bền vững.