Cơ hội để các doanh nghiệp thực phẩm kết nối đối tác, mở rộng thị trường
Theo bà Thắng, với những lợi thế và tiềm năng đặc trưng, ngành công nghiệp thực phẩm được xác định là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức và doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể trong việc phát triển thị trường nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng và phát triển thương hiệu nhằm từng bước gia tăng giá trị xuất khẩu của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội kết nối, mở rộng thị trường với các đối tác đến từ Châu Mỹ tại Vietnam Foodexpo 2024 vào chiều 13/11 |
"Để giúp các doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm Việt Nam phát huy tốt hơn nữa năng lực nội tại, nắm bắt và tận dụng những ưu đãi của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trên thị trường trong nước, quốc tế, Bộ Công Thương tổ chức Vietnam Foodexpo thường niên. Vietnam Foodexpo là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nơi hội tụ hàng trăm doanh nghiệp với hàng nghìn thương hiệu, sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực và đang phát triển của Việt Nam cũng như các tinh hoa thực phẩm thế giới, cùng đa dạng các loại máy móc, công nghệ chế biến thực phẩm tiên tiến, hiện đại", bà Thắng nói.
Ông Julie Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, các nhà xuất khẩu nông sản thực phẩm châu Âu (EU) nhận thấy tiềm năng lớn trong việc phát triển xuất khẩu sang Việt Nam, vì vậy việc thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn và bền vững của sản phẩm EU là rất cần thiết. Việt Nam là một trong những thị trường thú vị nhất ở châu Á trong ngành lương thực thực phẩm. Vietnam Foodexpo 2024 sẽ góp phần củng cố các mối quan hệ đối tác, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và khám phá các cơ hội kinh doanh.
“Thương mại nông sản thực phẩm giữa EU và Việt Nam, nhờ vào EVFTA, đang phát triển mạnh mẽ ở cả hai bên. Vào năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 3,2 tỷ euro sản phẩm nông sản sang EU (tăng 40% so với khi EVFTA có hiệu lực) và đang hưởng thặng dư thương mại (gần 2 tỷ euro). Tất cả những điều này đều rất tích cực, nhưng tiềm năng vẫn còn cao hơn nhiều đối với cả EU và Việt Nam. Trong thời kỳ đầy thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu, điều quan trọng là duy trì các mối quan hệ ổn định ở cấp độ đa phương và song phương và làm tất cả những gì có thể để thương mại quốc tế tiếp tục lưu thông. Cung cấp thực phẩm và sản phẩm nông sản thực phẩm phải được đảm bảo cho tất cả những ai cần đến”, ông Julie Guerrier khẳng định”.
Vietnam Foodexpo 2024 thu hút trên 500 gian hàng của gần 400 doanh nghiệp đến từ hơn 30 tỉnh thành của Việt Nam và trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đức, Tây Ban Nha, Ý, các nước thuộc Liên Minh châu Âu (EU), Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…
Trong khuôn khổ triển lãm, doanh nghiệp sẽ được tư vấn và hỗ trợ trực tiếp cho các đơn vị tổ chức xúc tiến thương mại tại các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, về việc tham gia hiệu quả Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số thuộc Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam được hỗ trợ gia tăng cơ hội kết nối giao thương và đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài nhằm đổi mới phương thức và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương với thị trường EU và Châu Mỹ.