Đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp Việt "bắt tay" trước cơ hội lớn
Dự án đường sắt cao tốc là một cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. |
Không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt sẽ thua ngay trên sân nhà
Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD là một trong những dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Sự phức tạp của dự án đòi hỏi sự đầu tư đồng bộ vào nhiều hệ thống khác nhau, từ hệ thống đường ray, cầu cống đến hệ thống điều khiển và phương tiện vận tải.
Khi hoàn thành, đường sắt tốc độ cao sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
"Xác định đây là dự án, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải làm chủ về nguồn vốn, tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài. Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước", ông Vũ Hồng Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng: "Có thể nói, đây là cuộc cách mạng, thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng. Nếu như đánh giá hệ thống đường sắt tốc độ cao vẫn là cầu hầm, vẫn là cầu dây văng thì thời gian qua, các nhà thầu Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, có thể thực hiện được tất cả những công trình trên".
Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam trước cơ hội lớn từ các dự án hạ tầng trọng điểm. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cạnh tranh khốc liệt và tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ lưỡng. Trường Sơn đã xác định rõ mục tiêu làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị các đối thủ ngoại quốc vượt mặt trên sân nhà.
Còn Đại tá Phan Phú - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng chia sẻ: "Dự án đường sắt cao tốc là một cơ hội lớn để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là về nguồn nhân lực. Vì vậy, việc đầu tư vào đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, công nhân viên là vô cùng cần thiết".
Theo Đại tá Phan Phú: "Hiện nay, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp giao thông trong nước là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi mong rằng, đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án đường sắt tốc độ cao, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án".
Những trở ngại phải vượt qua
Ông Đào Ngọc Vinh - Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của chất lượng thi công các dự án giao thông. Theo ông, sự chính xác tuyệt đối là yếu tố không thể thiếu, bất kỳ sai số nào cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của người thực hiện là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng công trình.
Sự khác biệt về tốc độ vận hành của các phương tiện đòi hỏi các nhà thiết kế và thi công phải có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm dày dặn để đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao, đặc biệt là về bán kính cong, độ dốc dọc và hệ thống siêu cao.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, để xây dựng tuyến đường sắt đạt tốc độ 350 km/h, các nhà thầu Việt Nam sẽ phải đối mặt với những yêu cầu kỹ thuật vô cùng khắt khe và đòi hỏi ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, vượt xa so với các dự án giao thông thông thường.
Ông Hiệp cho rằng Nhà nước cần có những giải pháp cấp bách để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cho dự án đường sắt cao tốc. Đó là chính sách thu hút lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động trong ngành giao thông.
Theo ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng là những trở ngại lớn khiến tiến độ các dự án giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc Bắc Nam bị kéo dài.
Để khắc phục, theo ông Huy chính quyền cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nguồn vật liệu luôn sẵn sàng ngay từ giai đoạn đầu của dự án. Như vậy thời gian thi công có thể được rút ngắn đáng kể.
"Nếu Nhà nước phụ trách giải phóng mặt bằng, chuẩn bị mỏ, nhà thầu vào thực hiện dự án và có nguyên liệu luôn thì thời gian thực hiện có thể rút ngắn từ 6-9 tháng", ông Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, với hợp đồng EPC, đòi hỏi tổng thầu phải rất am hiểu từ thiết kế, lựa chọn công nghệ, thi công. Trong khi hiện nay chúng ta đang học hỏi kinh nghiệm, vậy hành lang pháp lý, tiêu chuẩn quốc gia để lựa chọn công nghệ là gì.
Do đó, tập đoàn mong sớm các cơ quan chức năng sớm công bố tiêu chuẩn để có cơ sở đi theo, có đầu bài để đưa ra hợp tác quốc tế, có chuẩn để tiếp cận công nghệ phù hợp.
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, đối với cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi kiến nghị cần sớm có hành lang pháp lý dành cho thực hiện đại dự án này. Cần xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công.
Ông Vũ Hồng Phương cho hay, về tiêu chuẩn, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường sắt Việt Nam hệ thống hóa tiêu chuẩn lĩnh vực đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Tại Việt Nam, một số ngành cũng sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài, tuy nhiên, cần hệ thống lại và cần được ban hành chính thức, nội dung này sẽ được xác định thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi.