Gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt: Tác động đến đâu?
Đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt ô tô trong nước |
Tiếp sức cho đà phục hồi
Báo cáo mới nhất về ngành ô tô Việt Nam do Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (Virac) công bố đã chỉ ra, sau bốn lần bùng phát dịch Covid-19, ngành công nghiệp “bốn bánh” đã gánh chịu những tác động nặng nề, sản xuất - kinh doanh đình trệ. Song với những con số thành tích đầy ấn tượng của thị trường vào quý đầu năm, thị trường ô tô Việt Nam cho thấy tiềm năng phục hồi mạnh mẽ với lượng tiêu thụ ô tô năm 2022 khả quan và triển vọng đầy tươi sáng hơn.
Cụ thể, theo Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng trong tháng 3 tăng 60% so với tháng 2. Tính chung ba tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA có tổng lượng tiêu thụ ô tô đạt 90.506 xe các loại, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Xét theo nguồn gốc xe, tính đến hết tháng 3/2022, trong khi doanh số bán xe lắp ráp trong nước tăng 34% thì xe nhập khẩu chỉ tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành ô tô trong nước đang có sự phục hồi tốt |
Theo đánh giá của Virac, sau nhiều tháng giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại của người tiêu dùng gia tăng dẫn đến lượng khách đến đại lý nhận xe đã đặt mua trước đây và tìm hiểu mua xe tăng theo.
Các chương trình ưu đãi, kết hợp cùng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước do Chính phủ ban hành đã khiến sức mua của người tiêu dùng “bùng nổ” trong quý đầu năm 2022.
Cùng với đó, một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho ngành ô tô trong nước được doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá cao đó là đề xuất gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 97/TTr-BTC đề xuất Chính phủ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được chậm nộp 10 tháng thuế tiêu thụ đặc biệt, tương đương với khoảng 20.000 tỷ đồng.
Tại tờ trình, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9/2022 cho ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Chậm nhất đến ngày 20/11/2022, doanh nghiệp phải nộp đầy đủ số thuế được gia hạn.
Theo lý giải của cơ quan này, năm 2021 là năm thị trường ô tô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió và cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 6-9/2021, hoạt động bán hàng của doanh nghiệp nói chung đều chịu tác động tiêu cực do thực hiện các quyết sách chống dịch. Trong đó, một số nhà máy sản xuất ô tô cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Đánh giá đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Có phải là cú hích mạnh mẽ?
Trước đề xuất của Bộ Tài chính, một chuyên gia đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước sẽ có một khoản tiền được “vay tạm” với mức lãi suất 0% từ nhà nước để có dòng tiền đầu tư vào hoạt động kinh doanh. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, nhờ dòng tiền này, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh các chiến lược marketing, bán hàng, tung ra các chương trình ưu đãi để thúc đẩy năng suất bán hàng, thúc đẩy người dân mua xe nhiều hơn. Từ đó, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể tăng trưởng tích cực trong thời gian tới, kéo theo các ngành phục vụ khác như công nghiệp chế biến chế tạo phát triển.
Đề xuất của Bộ Tài chính nếu được thông qua sẽ có tác động tích cực đến các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước, tuy nhiên các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra, với số tiền được gia hạn khoảng 20.000 tỷ đồng, đây chỉ là yếu tố hỗ trợ chứ không được kỳ vọng là cú hích mạnh mẽ cho doanh nghiệp hay tới sức cầu của thị trường. Bởi lẽ, thực chất đây chỉ là số tiền được gia hạn, doanh nghiệp vẫn phải dồn nộp vào cuối năm. Với những doanh nghiệp có cân đối tài chính tốt thì mới có thể xoay dòng vốn này vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, đặc thù của ngành này đòi hỏi sự đầu tư lớn, máy móc công nghệ cao, vì vậy số tiền được gia hạn không có những tác động quá mạnh. Còn với người tiêu dùng vẫn phải nộp loại thuế này khi mua xe.
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra liệu việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt kéo dài như dự kiến đã đủ sức để doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước hồi phục. Về điều này, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính cho rằng, các chính sách gia hạn thuế thường sẽ kéo dài trong một năm tài chính để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc gia hạn thuế nên thực hiện theo lộ trình từng năm. Nếu sang năm sau, các doanh nghiệp vẫn khó khăn thì có thể tính toán để gia hạn tiếp.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, trong dài hạn cần phải đặt ra bài toán có nên giữ loại thuế này hay không. “Nhà nước muốn phát triển ngành xe hơi, kích cầu tiêu dùng, mua sắm… thế nhưng lại áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Thực tế trong điều kiện hiện nay, xe hơi là một phương tiện phổ biến trong đi lại, giao dịch, buôn bán của người dân doanh nghiệp. Việc áp dụng thuế đặc biệt với loại xe thông dụng này là lạc hậu so với sự phát triển của nền kinh tế”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu lấy lý do về tắc đường, ô nhiễm môi trường thì đã có thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Chính vì vậy, để có thể kích thích ngành này phát triển trong dài hạn, cần xem xét lại có nên giữ loại thuế này không. Trong bối cảnh dân số trẻ, thu nhập tăng lên, nhu cầu sở hữu ô tô của người dân tăng mạnh, nếu bỏ được loại thuế này mới thực sự là một cú hích để ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển mạnh mẽ.